Chuyển tới nội dung

3 câu chuyện suy ngẫm sâu sắc về cuộc sống

  • bởi

Mọi việc trong cuộc sống không thể lúc nào cũng như ý được, “có mất thì mới có được”. Trên đường đời, mỗi người đều có sự lựa chọn của riêng mình.

Cùng đọc 3 câu chuyện sâu sắc về cuộc sống dưới đây suy ngẫm:

Câu chuyện 1: Thế nào là người đàn ông thật sự?

câu chuyện suy ngẫm sâu sắc về cuộc sống
(Ảnh minh họa/inmagine.com)

Ngày xưa có một người cha rất thất vọng về con trai của mình vì em rất yếu ớt, không có chút tính đàn ông nào cả, mặc dầu em đã 16 tuổi. Người cha đến gặp một sư phụ dạy Thiền và yêu cầu vị sư phụ giúp con trai của ông trở thành một người đàn ông thật sự.

Ông sư phụ nói: “Tôi có thể giúp ông, tuy nhiên, ông cần phải để con ông lại đây trong 3 tháng. Trong 3 tháng này, ông không được gặp con ông. Tôi bảo đảm ông sẽ vừa lòng trong 3 tháng”.

Như đã hứa, người cha không đến thăm con trai cho đến hết 3 tháng. Tới ngày hẹn, ông sư phụ dựng nên một cuộc thi đấu võ để cho người cha xem kết quả.

Khi cuộc thi đấu bắt đầu, người cha thấy rằng đối thủ của con trai mình là một huấn luyện viên võ thuật.

Người huấn luyện viên này đã chuẩn bị chu đáo cho cuộc đấu. Về mặt người con trai kia, cậu ngã xuống sàn khi bị tấn công mà không chống cự được gì cả. Tuy nhiên, cậu không bao giờ đầu hàng và đứng lên ngay sau khi bị ngã. Cuộc đấu cứ diễn ra như vậy trong hơn 20 lần. Người cha rất xấu hổ và cảm thấy đau lòng nhưng không nói lời nào cả.

Cậu con trai bị thua đau đớn trong trận đấu. Ông sư phụ hỏi người cha: “Ông có thấy con trai của ông là người đàn ông thật sự chưa?”

“Tôi cảm thấy rất xấu hổ về nó! Sau 3 tháng tập luyện, có kết quả gì đâu? Nó yếu và ngã xuống sàn khi bị tấn công. Tôi chẳng nghĩ nó là đàn ông thật sự gì cả”, người cha rất thất vọng.

Ông sư phụ nói: “Tôi rất tiếc là ông chỉ chú trọng về hình thức của sự thất bại và thành công. Ông không thấy rằng con trai ông đủ can đảm và có tinh thần rất cao mới đứng lên được mỗi lần bị té ngã? Thành công là ở chỗ đứng lên lại nhiều hơn là bị ngã, và đó chính là điều mà một người đàn ông thật sự phải có”.

Người cha được giác ngộ và cám ơn ông sư phụ rối rít, và rồi ông ta đưa con về nhà.

Câu chuyện 2: Một hòn than và sự cô đơn

Tại một ngôi làng nhỏ, có một vị giáo sư thường đến nói chuyện về cuộc sống, về cộng đồng vào mỗi ngày Chủ nhật. Ngoài ra, ông còn tổ chức nhiều hoạt động cho những cô cậu bé trong làng cùng chơi.

Nhưng đến một ngày Chủ nhật nọ, một cậu bé vốn rất chăm đến nghe nói chuyện bỗng nhiên không đến nữa. Nghe nói cậu không muốn nghe những bài nói chuyện và cũng chẳng muốn chơi với những cô cậu bé khác nữa.

Sau hai tuần, vị giáo sư quyết định đến thăm nhà cậu bé. Cậu bé đang ở nhà một mình, ngồi trước bếp lửa.

Đoán được lý do chuyến viếng thăm, cậu bé mời vị giáo sư vào nhà và lấy cho ông một chiếc ghế ngồi bên bếp lửa cho ấm.

Vị giáo sư ngồi xuống nhưng vẫn không nói gì. Trong im lặng, hai người cùng ngồi nhìn những ngọn lửa nhảy múa.

Sau vài phút, vị giáo sư lấy cái kẹp, cẩn thận nhặt một mẩu than hồng đang cháy sáng ra và đặt riêng nó sang bên cạnh lò sưởi.

Rồi ông ngồi lại xuống ghế, vẫn im lặng. Cậu bé cũng im lặng quan sát mọi việc.

(Ảnh minh họa/Internet)

Cục than đơn lẻ cháy nhỏ dần, cuối cùng cháy thêm được một vài giây nữa rồi tắt hẳn, không còn đốm lửa nào nữa. Nó trở nên lạnh lẽo và không còn sức sống.

Vị giáo sư nhìn đồng hồ và nhận ra đã đến giờ ông phải đến thăm một người khác. Ông chậm rãi đứng dậy, nhặt cục than lạnh lẽo và đặt lại vào giữa bếp lửa. Ngay lập tức, nó lại bắt đầu cháy, tỏa sáng một lần nữa với ánh sáng và hơi ấm của những cục than xung quanh nó.

Khi vị giáo sư đi ra cửa, cậu bé nắm tay ông và nói:

– Cảm ơn ông đã đến thăm và đặc biệt cảm ơn bài nói chuyện của ông. Tuần sau cháu sẽ lại đến chỗ ông cùng mọi người.

Câu chuyện 3: “Một chén gạo dưỡng ơn, một đấu gạo gây thù”

Trước đây, có hai người hàng xóm, một người thì gia đình khá giàu có, người kia thì gia đình lại khá nghèo.

Hai gia đình này vốn không có ân oán gì, thường ngày quan hệ của họ rất tốt. Thế nhưng, có một năm, ông trời nổi cơn thịnh nộ, giáng xuống một trận thiên tai khiến ruộng đồng thất thu, mùa màng thất bát. Gia đình nghèo nọ không có thu hoạch, lại cũng không có dự trữ, không có gì ăn, họ đành nằm chờ chết. Lúc này, nhà giàu kia đã mua rất nhiều lương thực, họ nghĩ đến tình cảnh của nhà hàng xóm, bèn mang một thưng gạo cho họ để cứu nguy.

Hình ảnh có liên quan
(Ảnh minh họa/Internet)

Gia đình nghèo kia vô cùng cảm kích, cho rằng đây chính là ân nhân cứu mạng. Sau khi qua khoảng thời gian khó khăn nhất, gia đình nghèo đến bày tỏ lòng cảm ơn đối với nhà giàu.

Khi hai nhà trò chuyện, họ nói đến việc chưa có hạt giống cho năm sau, nhà giàu bèn hào phóng tặng một đấu thóc để làm hạt giống. Gia đình nghèo lại hết lời cảm ơn rồi mang đấu thóc về nhà.

Về đến nhà, anh em nhà nghèo lại nói rằng: một đấu thóc này thì làm được gì chứ, ngoài ăn ra thì vốn dĩ không đủ để năm sau trồng, nhà giàu này quá đáng thật, lắm tiền như thế thì nên cho nhiều lương thực và tiền, chứ cho có một chút thế này thật quá là tệ.

Những lời này truyền đến tai nhà giàu kia khiến họ rất tức giận, họ nghĩ rằng mình đã tặng nhiều lương thực không công như thế, chẳng những không cảm ơn mà còn đố kỵ xem mình như kẻ thù, thật đúng “chẳng phải là người”.

Thế là, vốn dĩ quan hệ của hai gia đình rất tốt, từ đó trở thành kẻ thù của nhau.

Câu chuyện “Một chén gạo dưỡng ơn, một đấu gạo nuôi thù” này có ý nghĩa rằng khi việc ‘cho đi’ trở thành một thói quen thì rồi sẽ thành trách nhiệm không thể chối bỏ được. Có câu nói rằng: Dục vọng giống như nước biển vậy, uống càng nhiều sẽ càng khát. Dục vọng, ham muốn thật ra chính là vết ngứa trong tâm hồn bạn. Đau còn có thể nhịn được, còn ngứa thù thì càng gãi sẽ càng ngứa!

(ttvn)

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Powered by yeudalat.com

DMCA.com Protection Status