Chuyển tới nội dung

4 điều xương máu mà tuổi trẻ thường bỏ qua, về già mới thấm thía

  • bởi

Thời gian sẽ giúp bạn sàng lọc những mối quan hệ kém chất lượng. Tiền bạc sẽ giúp bạn nhìn thấu được tâm can mỗi người.

Chỉ khi bạn nằm vật trên giường nhìn tháng ngày trôi qua vô nghĩa, biết được số phận của những mảnh đời kém hơn mình, bạn mới nhận ra những điều hồi trẻ không quan tâm, giờ ảnh hưởng đến mình lớn thế nào.

Dưới đây là 4 điều bản thân tôi đã chiêm nghiệm được. Bạn đọc, thấy bao điều đúng với mình?

Điều 1: “Bè” có thể nhiều, nhưng “Bạn” liệu có bao nhiêu?

Khi còn trẻ, chúng ta hồn nhiên tưởng rằng, quen càng nhiều người càng tốt. Vì thế, chúng ta điên cuồng thiết lập mạng lưới quan hệ.

Ngày càng nhiều người biết đến chúng ta. Chúng ta cảm thấy hài lòng.

Đến một ngày, chúng ta chợt giật mình nhận ra: Quen thì nhiều, nhưng khi xảy ra chuyện lại chẳng nhờ được ai.

Bạn điểm được mấy người bạn, sẵn sàng cho bạn mượn tiền mỗi khi bạn bảo: “Mày ơi, cho tao vay chút tiền. Dạo này tao túng thiếu quá!” ?

Bạn điểm được mấy người bạn, sẵn sàng giúp đỡ bạn khi bạn gặp khó khăn?

Người để đi chơi cùng, chúng ta không thiếu. Chúng ta chỉ thiếu những người bạn thực sự thôi.

Thời gian sẽ giúp bạn sàng lọc những mối quan hệ kém chất lượng.

Tiền bạc sẽ giúp bạn nhìn thấu được tâm can mỗi người.

Và những biến cố cuộc đời sẽ giúp bạn xác định đâu là những người bạn thực sự của mình.

Những người bạn thực sự này xa xỉ khó kiếm lắm. Nhưng khi kiếm được rồi, bạn sẽ thấy: Họ là người lúc vui có thể không bên mình, nhưng lúc mình buồn và sụp đổ, họ sẽ là những người đầu tiên đứng ra an ủi vỗ về.

Điều 2: Chấp nhận khó khăn như một phần của cuộc sống

Khi còn trẻ, bạn thấy rất khó để có được thứ mình muốn. Bạn không có quyền quyết định gì cả, bạn bị phụ thuộc vào bố mẹ, anh chị, thầy cô giáo. Bạn chán. Bạn thèm khát được lớn lên.

Khi đi học, bạn cảm thấy việc học thật vô bổ. Bạn nhận định đề kiểm tra quá khó, xa rời với thực tế. Bạn chán. Bạn thèm khát được thoát khỏi ghế giảng đường.

Khi học xong, bạn không ngờ kiếm được việc làm lại khó khăn thế. Bạn chán. Bạn thèm khát có việc làm.

Khi đi làm, bạn thấy áp lực công việc sao quá nặng nề. Đồng tiền kiếm được khó khăn, mà dường như không tương xứng với công sức bạn bỏ ra. Bạn chán.

Rồi bạn kết luận: “Cuộc đời này, khó sống quá!”

Bạn thường cảm thấy sự khó khăn khi làm mọi việc. Bạn cảm thấy mình không thể vượt qua được. Nhưng sau đó thì sao?

Bạn vẫn vượt qua tất cả đấy thôi.

Khó khăn gian khổ là một phần của cuộc sống. Nếu việc nào cũng thuận buồm xuôi gió, chúng ta sẽ không bao giờ trưởng thành.

Mọi khó khăn theo thời gian sẽ đi vào dĩ vãng. Thay vì buồn, giam hãm mình trong những suy nghĩ tiêu cực, hãy mỉm cười tự tin và đón nhận nó.

Điều 3: Sống là để tận hưởng, chứ không phải để dành dụm

Khi mua một món đồ mới, tôi thấy có nhiều người thay vì dùng luôn, lại:

Cất đi cho mới, để dành cho con cháu sau này dùng.

Mỗi ngày dùng một chút. Đồ còn càng ít, dùng càng tiết kiệm.

Bạn bóc một miếng bánh ăn. Bạn ăn rất ngon. Sau đó, bạn gói miếng bánh lại, để dành tí nữa ăn tiếp.

Đến khi mở ra ăn lại, bạn phát hiện miếng bánh đã bị ỉu, không còn ăn được nữa.

Bạn rất muốn mua nhà. Bạn đã dành dụm đủ tiền để mua căn nhà đó. Nhưng bạn nghĩ rằng, mua nhà xong bạn hết sạch tiền.

Vì vậy, bạn quyết định đi làm thêm một thời gian nữa, dành dụm thêm chút tiền nữa, rồi khi đó quay lại mua nhà xong cũng chưa muộn.

Kết quả, khi bạn quyết định đã đến lúc mua nhà, bạn thấy giá căn nhà đó đã lên gấp 5, gấp 6 lần. Với số tiền bạn đang có, bạn không mua nổi một góc của căn phòng.

Bạn muốn giữ lại những món đồ tốt nhất của mình. Tốt thôi.

Nhưng vấn đề là: Bạn giữ nổi không?

Thời gian không ngừng trôi. Mỗi phút mỗi giây qua đi, giá trị những gì bạn đang có lại giảm đi một chút.

Hãy tận hưởng trọn vẹn những gì đang diễn ra. Đừng kiềm chế, đừng cố gắng giữ niềm vui của mình lại. Bởi khi qua khoảnh khắc đó, rất có thể bạn sẽ không bao giờ tìm lại được những cảm xúc đó nữa.

Điều 4: Nếu sức khoẻ là số 2, không có gì là số 1

Khi còn trẻ, chỉ vì tham việc, tham chơi, bạn có thể thức xuyên màn đêm. Bạn không chú trọng sức khoẻ, bạn sẵn sàng làm mọi thứ, miễn là việc đó làm bạn vui, hoặc ít nhất giúp bạn kiếm thêm chút tiền.

Đến một ngày, bạn bệnh rồi. Cơ thể bạn bắt đầu suy nhược. Bạn “được” đến bệnh viện nhiều hơn. Bạn thấy rằng, kiếm tiền bao nhiêu cũng không đủ trả tiền viện phí.

Bạn thấy hối hận, đến lúc bạn chú trọng đến sức khoẻ mình hơn, thì cũng đã muộn rồi.

Ngày xưa, vì thích tụ tập đàn đúm. Bạn bè rủ ăn gì cũng ăn, rủ uống bao nhiêu cũng uống. Bạn uống đến khi nào chân tay run lẩy bẩy, có người dìu bạn về nhà, bạn mới thôi.

Đến khi nằm viện, bạn thử để ý xem: Có ai trong số những người “bạn nhậu” đó đến thăm mình không, hay tất cả những người đến thăm, đều là người nhà, người thân trong gia đình bạn?

Cái gì mất đều có thể lấy lại được, duy chỉ có sức khoẻ, một khi đi sẽ không bao giờ trở lại.

Bạn có thể có nhiều bạn. Nhưng khi bạn ngã bệnh, đa số đều sẽ cách xa bạn một chút vì sợ phiền, sợ bị liên luỵ. Cuộc đời này là vậy, vì vậy muốn hạnh phúc , hãy đặt sức khoẻ của mình lên hàng đầu.

(vn.pngd)

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Powered by hanghay.com

DMCA.com Protection Status