Chuyển tới nội dung

Cổ nhân có câu: “Mệnh tự mình tạo, phúc tự mình cầu”

  • bởi

Cổ nhân có câu: “Mệnh tự mình tạo, phúc tự mình cầu”, nhưng không phải ai cũng hiểu được câu nói đó. Bình thường chúng ta chỉ nhìn thấy được tài phú, mà không thấy được phúc khí.

Phúc khí của mỗi người không phải do trời định mà do tự mình cầu mà ra, hay nói chính xác hơn, phúc khí là do tự mình tu mà được.

Phúc do tự mình cầu

Đạo trời xưa nay luôn công bằng, không thiên vị một ai, nhưng lại thường ưu ái người thiện. Vào thời Xuân Thu, một hôm Tần Mục Công bị mất con ngựa.

Không may dân chúng ở núi Tiên Sơn bắt được con ngựa ấy và mổ thịt cùng ăn. Khi quan phủ địa phương bắt những người giết ngựa giao cho Tần Mục Công, Tần Mục Công không xử phạt mà lại mời họ uống rượu.

Mọi người thấy làm lạ mới hỏi Tần Mục Công, ông trả lời rằng: “Họ đã ăn thịt ngựa, nếu như không uống rượu sẽ tổn hại đến thân thể”.

Sau này khi Tần Mục Công đem quân đánh nước Tấn, bị quân địch bao vây. Bách tính hay tin liền liều mình cầm vũ khí ra chiến trường để báo đáp ân đức năm xưa ông đã mời họ uống rượu. Cuối cùng, Tần Mục Công cũng thoát nạn và đánh bại nước Tấn trở về nước Tần.

Vậy nên, sống ở đời thì cứu giúp người khác cũng chính là cứu giúp chính mình, mở cho người một lối đi cũng chính là mở cho mình một phương trời. Tần Mục Công nhờ vào đức nhân nghĩa của mình mà đối đãi với bách tính, đó cũng chính là tự cứu lấy mình, phúc tự mình cầu.

Thượng thiện nhược thuỷ

Lão Tử từng nói: “Thượng thiện nhược thủy. Thủy thiện lợi vạn vật nhi bất tranh, xử chúng nhân chi sở ác, cố ki ư đạo”. Lão Tử muốn nói phẩm hạnh tối cao của bậc nhân nghĩa cũng giống như nước.

Nước có lợi cho vạn vật, trước sau như một không hề tranh đua hơn kém với ai, luôn bao dung với tất cả mọi vật, có thể ở nơi mà người khác không muốn ở cho nên nước rất gần với Đạo.

Phạm Trọng Yêm thời Tống từng mua một trang viên ở Tô Châu. Có vị thầy phong thuỷ nói rằng trang viên này long mạch rất tốt, sau này ắt sẽ xuất sinh một đại quan.

Phạm Trọng Yêm nghe xong lập tức đem trang viên tặng cho vùng Tô Châu làm trường học. Ông cho rằng mình không thể độc chiếm mảnh đất cát kinh chi địa này được, cần đem lộc trời chia sẻ với bách tính để Tô Châu càng có nhiều người học được lên cao, cải biến hoàn cảnh của mọi người.

NGƯỜI THIỆN LƯƠNG LÀ NGƯỜI LUÔN LÀM VIỆC VÀ BIẾT NGHĨ CHO NGƯỜI KHÁC CHỨ KHÔNG PHẢI TRANH GIÀNH VỚI NGƯỜI KHÁC.

Cũng nhờ vào phẩm chất và đức hạnh của mình mà gia tộc Phạm Trọng Yêm trường thịnh bất thoái bao đời. Trong khi các gia tộc khác không ngừng gặp nhiều sóng gió thăng trầm để rồi đi đến lụi tàn một cách nhanh chóng thì gia tộc Phạm Trọng Yêm lại trường tồn tới hơn 800 năm, mãi cho đến thời kỳ đầu Dân Quốc vẫn cường thịnh và không ngừng phát triển.

Không thể cố ý làm việc thiện

Lão Tử nói: “Thượng đức vô vi nhi vô dĩ vi, hạ đức vô vi nhi hữu dĩ vi” (Đạo Đức Kinh). Người thượng đức là người tuỳ kỳ tự nhiên, sống thuận với tự nhiên mà làm người đối nhân xử thế một cách vô vi, còn người hạ đức là người sống theo tự nhiên nhưng làm việc thiện là hữu ý.

Trong cuốn Liêu Trai Chí Dị có viết: “Hữu ý làm việc thiện, tuy thiện nhưng không thưởng; vô ý mà làm ác, tuy ác nhưng không phạt”. Đây gọi là vì thiện mà thiện, vì muốn được phúc báo của việc làm việc thiện mà cố ý đi làm việc thiện thì chính là ngụy thiện.

BỞI VÌ, VIỆC THIỆN CẦN PHẢI ĐƯỢC LÀM TỪ CHÍNH CÁI TÂM CỦA MÌNH.

Mạnh Tử từng nói: “Nhân tính chi thiện dã, do thủy chi tựu hạ”, thiện lương cũng giống như nước, luôn chảy về chỗ trũng một cách tự nhiên. Người thiện lương cũng lại như thế, làm việc thiện bởi đó là điều nên làm được xuất phát bởi nội tâm chứ không phải làm vì được lợi.

Vì muốn được phúc khí mà cố tình đi làm việc tốt, động lực vẫn là vì mình. Người như vậy không phải là người thiện thực sự, cũng giống như đạo tặc, vì lợi ích mà lấy đồ của người khác. Vậy nên cũng nói, người ngụy thiện và người ác cũng là đồng đẳng.

Không vì việc thiện nhỏ mà không làm 

Lão Tử: “Việc khó trong thiên hạ thì cần làm chỗ dễ, việc lớn trong thiên hạ thì cần phải làm tỉ mỉ”. Ở đây Lão Tử muốn nói, xử lý việc khó phải bắt đầu từ chỗ dễ, giải quyết việc trọng đại phải từ việc nhỏ bắt đầu.

Trong Pháp Cú Kinh có viết: Giọt nước tuy bé, nhưng dần thành đại khí, việc thiện nhỏ không tích, không thể thành Thánh. Xem nhẹ việc ác nhỏ mà làm, việc ác nhỏ tích tụ cũng đủ để diệt thân.

Cũng như câu “nước chảy đá mòn”, tuy một giọt nước chẳng đủ để làm nên điều vĩ đại, nhưng nhiều giọt nước tích lại thì đá kia có cứng cũng mài mòn theo năm tháng. Nếu như không bắt đầu bằng những việc thiện nhỏ thì cũng không cách nào tu thành Thánh nhân.

Cũng như vậy, đừng nên xem thường việc xấu nhỏ mà không mang tội, việc nhỏ tích tụ dần dần cũng thành việc lớn, đủ hại một đời.

Đừng cho rằng việc thiện nhỏ không đáng kể gì, từ việc nhỏ bắt đầu, dù là việc thiện bé cỡ nào đi chăng nữa, dần dần tích luỹ, tâm thái tự nhiên có thay đổi, năm tháng dài qua, dung mạo, khí chất cũng từ đó mà thay đổi.

Sự từ bi, hoà ái, dung nhẫn với mọi việc cũng theo năm tháng hiện lên khuôn mặt của bạn. Khi một người có khuôn mặt từ bi hoà ái, thử hỏi có ai là không cung kính khiêm nhường, đây cũng chính là người có đại phúc khí.

(Suy ngẫm – mnmcn)

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Operated by thienlongtruyenky.com DMCA.com Protection Status