Chuyển tới nội dung

Đừng sống với cái tôi quá lớn thì tự mình làm mình khổ đau.

  • bởi

Con người từ khi ra đời đã tồn tại cái tôi và mỗi người đều có cái tôi riêng, không ai giống ai. Từ đó hình thành nên tính cách cá nhân rất khác nhau cho dù chúng ta cùng sống trong cùng một xã hội. Trong triết học, cái tôi hay bản ngã là phạm trù phản ánh cái riêng có được của trung tâm tinh thần một con người.

Được hiểu là cái tôi ý thức hay đơn giản là cái tôi bao hàm trong đó những đặc tính để phân biệt tôi với những cá nhân khác. Hiểu được giá trị thật về cái tôi của mình người ta có thể là chính mình và sống thật với mình hơn. Họ sẽ không bị môi trường chung quanh chi phối cách nhìn về cái tôi của họ, không mặc cảm tự ti cũng như không dễ bị tổn thương hay chạm tự ái.

Sự tồn tại cái tôi trong mỗi người là lẽ tự nhiên

Cái tôi chính là cái cá tính, cái bản chất vốn có của mỗi người. Khi con người đã đụng chạm đến cái tôi thì nó sẽ nổi dậy rất dữ dội thể hiện bằng hành động và ánh mắt. Con người từ khi ra đời đã tồn tại cái tôi và cái tôi trong mỗi người phát triển theo thời gian. Khi còn nhỏ người ta ít bị các yếu tố xã hội tác động vào nhận thức về chính mình nói cách khác là cái tôi được phát triển tương đối độc lập. Một em bé sẽ ít bị tổn thương như người lớn khi bị phê bình hay khiển trách.

Trong khi đó người lớn có thể tức giận rất lâu và phản ứng rất nặng nề nếu bị chạm tự ái.  Quan niệm về cái tôi thường được hiểu theo hai khía cạnh gồm tích cực nghĩa là sự hãnh diện phù hợp về những giá trị, nhân phẩm của chính bản thân còn tiêu cực là sự nhận định sai về những giá trị nhân phẩm của mình đưa đến sự tự ti hay tự tôn. Ở đây không bàn đến trường hợp của một người hay nhún nhường hoặc thường khoe khoang vì lý do nào đó trong giao tiếp xã hội. Một người không nhìn thấy được giá trị của chính mình sẽ cảm thấy bi quan và dễ bị tổn thương.

Khi bị chìm đắm trong sự tự ti, mặc cảm con người ta thường suy diễn, so sánh mọi việc để cuối cùng tự cho mình là kẻ thua cuộc. Không hài lòng với chính mình thì ta cũng chẳng vui vẻ, cởi mở với ai. Tự ti có xu hướng sinh ra tự tôn. Khi bị đè nén cái tôi bị bóp méo và khi chính chủ nhân thổi phồng nó lên thì nó lại là sản phẩm của trạng thái tâm lý không tự chủ và giả tạo. Tuy nhiên ranh giới giữa việc nhận thức cái tôi tích cực và cái tôi tiêu cực là rất mong manh. Cái tôi một khi bị thổi phồng thường gây ra nhiều đổ vỡ, trở ngại… vì hình như cái tôi thường hay phát triển và được phóng đại cùng với cái tài.

Cho nên căn bệnh cố hữu về sự kiêu ngạo và cố chấp thường lại rơi vào những người có những thành công nhất định trong xã hội. Một người leo lên nấc thang danh vọng, địa vị càng cao thì cái tôi mà họ vác trên vai dường như càng nặng. Vì thế khi một người bình thường đón nhận sự bất đồng về ý kiến của người khác một cách cởi mở, thì các sếp có thể xem đó là không thể chấp nhận được. Chính cái tôi quá lớn đã giam cầm một số người trong nhà tù của sự tự mãn và kiêu căng của chính mình.

Cái tôi quá lớn tự mình làm mình khổ đau

Những khổ đau bất an trong cuộc đời mỗi người đa phần xuất phát từ cái tôi thái quá . Người có cái tôi quá lớn, là người luôn xem mình là nhất không chịu thua kém bất cứ ai, bất cứ việc gì và xem thường suy nghĩ, lời nói của người khác không cần biết điều mình làm đúng hay sai cứ tự hào một cách vô ý thức,… Chính cái tôi đó sẽ biến họ thành người láo toét, hống hách, coi khinh người khác,…Không biết những người có cái tôi quá lớn, có bao giờ họ nhìn lại để thấy bản thân mình như thế nào hay không? Và có một điều rất quan trọng trong cái tôi cao đó là chúng ta coi trọng giá trị bản thân mình hơn giá trị của người khác.

Bạn nghĩ rằng, khi bạn ăn mặc lịch sự bước vào những nhà hàng sang trọng, làm việc trong một công ty danh tiếng, chuyên nghiệp là bạn hơn một người nào đó, làm công việc chân tay, bốc vác ở vỉa hè? Nếu có suy nghĩ vậy thì tất cả mọi thứ bạn đang có đều là vô giá trị. Bởi mỗi con người ở cuộc sống này, đều có một vị trí để sống. Vị trí nào cũng cần thiết, quan trọng và có giá trị riêng. Còn mọi sự so sánh đều là khập khiễng. Nếu như bạn chỉ nhìn thấy giá trị của bản thân mình mà không nhìn thấy được giá trị của những xung quanh chắc chắn bạn sẽ không thể bước được bất cứ đâu.

Cái tôi có thể được kiểm soát

Tập bớt nói chuyện với trí não

Hãy làm sao để tâm trí ta được lặng yên. Chỉ nghĩ về mình khi nào cần giải quyết cái gì có tính thực tiễn của cuộc sống mà thôi. Thiền được xem là phương pháp tốt nhất giúp bạn sẽ bình thản, chú ý và bằng lòng hơn.

Đừng tìm cách bảo vệ cái tôi

Khi gặp thất bại đừng… chửi mắng mình, khi người khác thất bại, đặc biệt người thân thì đừng công kích họ. Đừng mất thì giờ và sức lực đi bảo vệ hình ảnh cái tôi của mình. Khi bạn thấy mình có vẽ muốn bảo vệ cái tôi dữ quá thì hãy nhớ các hăm doạ cho cái tôi này thường không có thật, hãy tập trung giải quyết các tình huống cụ thể bên ngoài thì tốt hơn.

Hãy từ bi với chính mình

Khi gặp thất bại, thất chí ngã lòng hãy cố gắng từ bi với bản thân. Nếu bạn đối xử với chính mình với lòng tử tế và kính trọng khi mọi chuyện nát bét ra hết thì cái tôi của bạn sẽ không bị bão tố cuộc đời vùi dập và vì thế bạn đâu cần phải bảo vệ nó.

Đừng nuôi dưỡng cái tôi

Thật ra nếu bạn có tưởng tượng ra mục tiêu của đời mình là gì thì cũng được, nhưng coi chừng kiểu cố gắng như thế để biến tướng cuộc đờì bạn theo ý mình thì chỉ  làm cho cái tôi của bạn thêm lớn thôi.  Cứ chạy theo mục tiêu, đích nhắm trong cuộc đời có thể sẽ làm bạn thấy mục tiêu của cuộc đơì là phải hoàn tất cái gì đó trong tương lai, khiến bạn sẽ quên là cuộc đời duy nhất mà bạn đang có chính là cuộc đờì vào ngay lúc này chứ không phải của quá khứ và tương lai. Hãy nắm bắt cái hiện tại.

Đừng tin vào bất cứ cái gì bạn suy nghĩ

Cái cảm nhận của bạn về chính bạn và về thế giới thường được tựa vào cách thức rất hẹp hòi vị kỷ của bản thân. Hãy luôn tự nhủ là bản thân bạn  không phải lúc nào cũng nghĩ đúng về mình và về thế giới bên ngoài. Bởi vì chúng ta có cái tôi nên chúng ta có thể quyết định làm nhiều điều để cái tôi thôi không bao phủ quyền lực độc tài của nó lên cuộc đơì của chúng ta. Hãy làm sao mà cái tôi làm việc cho chúng ta, hơn là chống lại chúng ta.

Cái tôi – coi trọng chớ tôn sùng

Trong giáo dục nhân bản, lòng tự trọng và sự tôn trọng người khác là những quy luật trong đời sống là then chốt của mọi vấn đề, tạo nên nhân phẩm và  nhân cách của con người. Nhưng nguyên nhân sâu xa hơn nữa là do chính cái tôi quá lớn của mỗi người không muốn phục tùng nên mới nảy sinh nhiều xáo trộn làm đảo lộn trật tự cuộc sống cho chính họ và với mọi người.

Lòng tự trọng được thay bằng tự ái, còn nếu sự tôn trọng biến mất sẽ trở thành ngông cuồng, phản kháng và chống đối. Trong việc đối nhân xử thế, để thuận hợp và được lòng người yếu tố quan trọng hàng đầu là phải dẹp bỏ hoặc hạ bệ cái tôi của mình xuống mới có thể hòa hợp được với người khác, mới biết lắng nghe và chấp nhận ngưới khác. Nếu để cái tôi làm chủ thì rất  dễ  sinh ra chuyện mỉa mai, chỉ trích, đề cao mình, … Đó là những điều tối kỵ trong giao tiếp. Nhiều người thất bại trong đời sống từ giáo dục, lãnh đạo, làm ăn, tổ chức… phần lớn do cái tôi của người đó làm hại chính họ.

Khi cái tôi làm chủ sẽ  bị người khác bất mãn, không ai có thiện chí giúp đỡ, không ai cảm thông, không ai tin tưởng. Nhưng nếu họ hạ bệ được cái tôi vĩ đại này, đừng tự xem mình như cái trung tâm của vũ trụ thì số phận họ sẽ thay đổi ngay. Một người luôn nói về mình, đề cao mình, coi thường người khác thì chắc chắn người đó sẽ bị ghét bỏ và họ chẳng học điều gì khôn cả. Vì ai dám góp ý cho người đã thấy mình đã đầy đủ rồi. Vì vậy người ta có thể đo lường sự nhận thức và tu dưỡng của một người qua sự giao tiếp bằng cách xem người đó thể hiện cái tôi như thế nào.

Chúng ta cần tôn trọng cái tôi vì nó là sự thể hiện cá tính riêng của mình nhưng chúng ta hoàn toàn không được tôn sùng nó vì khi cái tôi quá lớn lớn hơn hẳn những mục đích khác thì nó sẽ khiến bạn thất bại và mất đi những thứ quý giá đối vớ bạn.

Con người ai cũng có bản ngã từ đó hình thành nên cái tôi. Nó mang tính chất cá nhân vì vậy mỗi con người là một thế giới. Cái tôi cũng có hai mặt giống như một tấm huy chương và con người liên đới và sống với nhau cũng thể hiện theo khuynh hướng hai mặt trái và phải. Nên chúng ta phải chịu trách nhiệm về suy nghĩ và hành vi của mình, hay dở, tốt xấu chứ không phải là chuyện ngẫu nhiên mà có.

Theo đúng nghĩa của nó, Cái tôi không có gì là xấu miễn sao mỗi người biết điều chỉnh nó cho phù hợp với những thứ có liên quan đến cuộc sống của mình. Cái tôi không những tốt mà còn rất tốt. Nó là nguyên nhân và cũng là lý do cho sự tồn tại của mỗi con người. Nếu không có nó chúng ta sẽ rơi vào sự hoang mang trong suốt cuộc hành trình đi tìm bản thân mình. Nhưng người có cái tôi quá lớn sẽ tự nghĩ mình là số 1, không ai quan trọng hơn mình xem thường người khác và dần dần trở nên hống hách không còn biết quan tâm đến giá trị của ai bên cạnh.

(httamlinh)

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Powered by vietnamvisits.com

DMCA.com Protection Status