Chuyển tới nội dung

Sống trên đời: Mất đừng quá lo âu, được đừng quá hoan hỷ

  • bởi

Đời người có rất nhiều chuyện mà ở trong sâu thẳm đều đã tự có an bài. Một việc là phúc hay là họa thường không giống như biểu hiện bề ngoài và cũng không thể dễ dàng phán định được.

                                                 (Hình minh họa: Qua kknews)

Lão Tử giảng: “Họa là chỗ dựa của phúc, phúc là nơi ẩn náu của mối họa”, ý nói họa là điều kiện tiên quyết của việc tạo thành phúc, mà phúc lại chứa đựng nhân tố tạo thành họa. Nói cách khác, chuyện tốt và chuyện xấu là có thể chuyển hóa cho nhau và dưới một điều kiện nhất định phúc sẽ biến thành họa mà họa cũng có thể biến thành phúc.

Bất kể một sự tình nào xảy ra đều chỉ có thể có hai loại kết quả đó là tốt hoặc xấu. Vạn sự vạn vật trong vũ trụ này đều là như thế. Một sự tình xảy ra, nó có thể là tốt và cũng có thể là không tốt. Sự phát triển của sự vật đều là có thể chuyển hóa giữ tốt và xấu. Đôi khi sự việc tốt có thể chuyển thành xấu và sự việc xấu có thể chuyển thành tốt.

Cho nên, trong cuộc sống, khi có được một chuyện tốt, chuyện vui thì chú ý không nên “vui quá mà hóa buồn” . Nên bảo trì tâm thái bình tĩnh, cảm xúc đừng quá mừng quá bi bởi vì sự tình thay đổi nhanh chóng. Người như thế mới được tính là người có trí tuệ.

Trái lại, ở vào thời điểm thất ý, chán nản thì phải có tầm nhìn lâu dài, tin tưởng rằng sẽ có những điều tốt đẹp ở trong tương lai. Đừng để những thất bại, khó khăn trước mắt hù dọa mà đau buồn thống khổ, bi thương.

Cổ nhân giảng: “Nhật vãng tắc nguyệt lai, nguyệt vãng tắc nhật lai, nhật nguyệt tương thôi nhi minh sinh yên; hàn vãng tắc thử lai, thử vãng tắc hàn lai, hàn thử tương thôi nhi tuế thành yên.” Tức là, Mặt Trời lặn thì Mặt Trăng mọc, Mặt Trăng lặn thì Mặt Trời mọc, Mặt Trăng và Mặt Trời cùng đắp đổi cho nhau mà ánh sáng sinh ra vậy. Giá rét đi thì nóng bức đến, nóng bức đi thì giá rét đến, rét và bức cùng đắp đổi cho nhau mà năm tháng thành ra vậy. Không có bao giờ mây trôi mãi che lấp hết cả Mặt Trời, giá rét phủ kín khắp cả mùa xuân.

“Chu Dịch”, “Lão Tử” và “Binh pháp Tôn Tử” là ba đại kiệt tác triết học có sự phân tích sâu sắc nhất thời Trung Quốc cổ đại. Ba tác phẩm ấy đem học thuyết âm dương phát triển đến đỉnh điểm. Trong “Lão Tử” có viết: “Thiên hạ giai tri mĩ chi vi mĩ, tư ác hĩ; giai tri thiện chi vi thiện, tư bất thiện hĩ. Cố hữu vô tương sinh, nan dịch tương thành, trường đoản tương hình, cao hạ tương khuynh, âm thanh tương hòa, tiền hậu tương tùy.” tức là, bởi vì thiên hạ đều biết, tốt là tốt, nên tự đã có xấu rồi. Bởi vì thiên hạ đều biết, thiện là thiện, nên tự đã có ác rồi. Cho nên, “có” với “không” là tương sinh, “khó” với “dễ” là là tương thành, “dài” với “ngắn” là tương hình, “cao” với “thấp” là tương chiều, “âm” với “thanh” là tương hòa, “trước” với “sau” là tương thuận.

Mối quan hệ biện chứng giữa “phúc và họa”, “thành và bại”, “lợi và hại”, “tăng và giảm”  trong cuộc sống cũng được trình bày và phân tích chi tiết trong tác phẩm “Nhân gian huấn”. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh về sự chuyển hóa tương hỗ giữa hai loại trạng thái này. Trong đó viết rằng: “Họa dữ phúc đồng môn, lợi dữ hại vi lân, phi thần thánh nhân, mạc chi năng phân.” ý nói họa và phúc là ra vào cùng một cửa, lợi và hại là láng giềng của nhau. Nếu không phải là bậc Thánh nhân thì không thể phân biệt được.

                                       (Hình minh họa: Qua read01)

Loading…

Trong rất nhiều câu chuyện dân gian, tác phẩm nối tiếng cũng có nhắc đến chủ đề họa và phúc này. Nổi tiếng nhất là câu chuyện trong cuốn sách “Nhân gian huấn” kể rằng:

Xưa kia, ở nước Tống có một người rất hay làm việc thiện. Một ngày nọ, con trâu đen trong nhà anh ta sinh ra một con nghé con màu trắng. Anh ta cảm thấy vô cùng kỳ lạ, thế là anh ta liền tìm đến thỉnh giáo Khổng Tử.

Vừa gặp mặt anh ta đã vội vã kể lại sự tình, Khổng Tử nghe xong liền nói: “Không cần phải lo lắng, đây là điềm báo may mắn. Cậu hãy về nhà làm lễ tạ ơn ông Trời đi!”

Người lương thiện kia ngay sau khi trở về nhà đã lập tức làm theo lời Khổng Tử căn dặn. Năm sau, mắt của anh ta vô duyên vô cớ đột nhiên bị mù. Sau đó, con trâu đen kia lại sinh ra một con nghé con màu trắng giống như lần trước. Lần này, anh ta còn cảm thấy kỳ lạ hơn cả lần trước, liền sai con trai đến thỉnh giáo Khổng Tử.

Người con thấy cha sai như vậy thì bèn hỏi: “Năm ngoái cha đi hỏi một lần, hai mắt bỗng nhiên vô duyên vô cớ bị mù. Vì sao bây giờ cha còn muốn đi hỏi nữa?”

Người cha trả lời: “Lời của thánh nhân đều là lúc trước mâu thuẫn nhưng sau thì lại phù hợp. Chuyện này còn chưa kết thúc đâu, con hãy đi hỏi ngài cho cha.”

Người con trai đành đến thỉnh giáo Khổng Tử lần nữa. Khổng Tử nói: “Không cần lo lắng, đây là điềm báo may mắn. Ngươi hãy về làm lễ tạ ơn ông Trời đi!”

Người con sau khi trở về bèn kể lại lời Khổng Tử căn dặn cho người cha nghe. Người cha nói: “Chúng ta cứ dựa theo lời của Đức Khổng Tử căn dặn mà làm!” Người con trai làm đúng như vậy và một năm sau đó, hai mắt của người con trai cũng vô duyên vô cứ bị mù.

                                         (Hình minh họa: Qua sohu.com)

Một thời gian sau, nước Sở đem quân đánh nước Tống. Quân Tống nhanh chóng bị vây hãm trong thành. Tất cả nam giới trưởng thành đều bị điều đi lính, phải trèo lên cổng thành để giao chiến. Kết quả đã có hơn một nửa số người bị tử trận. Hai cha con nhà kia vì mắt bị mù nên không phải đi giao chiến, vì thế mà may mắn thoát được cái chết.

Loading…

Sau khi chiến tranh kết thúc, thị lực của hai cha con họ cũng tự nhiên phục hồi đúng như kỳ tích. Thật đúng là “Họa phúc luân chuyển tương sinh, biến đổi khó mà lường được.” Bấy giờ, hai cha con họ đều cảm thán thốt lên rằng: “May mà chúng ta nghe theo lời của Đức Khổng Tử, cho dù xảy ra tai họa cũng kiên trì kính tín thần linh, thành tâm lễ tế thần linh.”

Có thể thấy rằng, họa phúc chuyển biến cũng giống như Mặt Trăng và Mặt Trời đổi chỗ, ngày và đêm luân chuyển cho nhau vậy. Cho nên, sống trên đời, gặp họa không nên quá đau buồn, được phúc cũng không nên quá vui sướng, mất không lo âu, được không hoan hỷ, bởi vì: “Trong phúc có họa, trong họa có phúc, biến hóa vô cùng, sâu xa không thể lường được.”

(Suy ngẫm – mnmcn)

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Operated by excelketoan.net DMCA.com Protection Status