Chuyển tới nội dung

Tạo khẩu nghiệp làm tổn hao phúc khí: 3 kiểu người sau đây rất dễ phạm phải

  • bởi

Vận mệnh của một người tốt hay không tốt, có thể suy từ cái miệng của họ có hay không có khẩu đức. Người xưa thường nói “Ngôn do tâm sinh” (lời nói là do tâm mà sinh ra). Nếu miệng thường hay nói những lời không hay, không tốt, thị phi, nguyền rủa, … thì phúc báo sẽ từ đó mà tổn thất rất nhanh.

“Kiểm soát được cái miệng của mình là một loại mỹ đức bậc nhất mà nhân loại cần phải học được” – lời của một triết gia người Hy Lạp từng nói.

Mệnh của một người tốt có thể tích phúc, giàu sang phú quý. Trái lại, một người có mệnh tốt nhưng cái miệng không tốt thì phú quý cũng mất. Cho nên, mệnh của một người tốt hay không chịu ảnh hưởng rất nhiều từ chính cái miệng của người ấy.

Bởi vậy, khi thấy bản thân thường không gặp may mắn, nên xem xét lại bản thân mình đã tu khẩu tốt hay chưa. Kiểm soát tốt cái miệng của bản thân cũng chính là bảo vệ được phúc đức của mình. Trong cuộc sống có 3 kiểu người dễ phạm khẩu nghiệp mà làm hao tổn phúc khí của mình:

1. Người ăn nói tùy tiện

Cổ ngữ có câu: “Bệnh tòng khẩu nhập, họa tòng khẩu xuất”, bệnh từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra. Hay có câu: “Nói quá nhiều tất sẽ nói lỡ”. Cho nên, lời nói rất nhiều khi dẫn đến thị phi, xung đột.

Rất nhiều người mệnh không tốt chính là bởi vì nói quá nhiều, hơn nữa còn là nói mà không suy nghĩ, không biết lời nào nên nói lời nào không, lúc nào nên nói lúc nào không. Nói chuyện một cách tùy tiện, không chú ý hạn độ, không phân thân xa mà nói rất dễ dàng khiến mâu thuẫn xảy ra.

Im lặng đúng lúc là một việc vô cùng trọng yếu. Sự việc không khẳng định được đúng hay không thì nhất định không cần nói bừa. Đừng vì tranh luận một chút việc nhỏ mà gây ra họa lớn.

Dù cho là bạn bè thân thiết hay người nhà, cũng không nên nói quá nhiều mà can dự vào cuộc sống của họ. Quản tốt được cái miệng của bản thân, học cách im lặng đúng lúc là cách bảo vệ được phúc đức của bản thân.

2. Người nói lời quá cay nghiệt, chua ngoa

Nói chuyện cay nghiệt, quá chua ngoa cũng là một cách giảm phúc đức. Chúng ta đều biết khẩu đức rất quan trọng. Người không có khẩu đức sẽ dễ dàng phạm phải khẩu nghiệp. Người mà phạm phải khẩu nghiệp thì mệnh có tốt cũng sẽ trở thành không tốt.

Thời xưa, khi muốn xem một người có vận tốt hay không, trước tiên người ta xem người ấy có khẩu đức hay không. Nếu một người nói những lời cay nghiệt, chua ngoa, những lời thiếu đạo đức cũng không ngại nói, khi khẩu nghiệp tích lũy từng ngày từng ngày thì cho dù người ấy có không làm việc gì thất đức nhưng phúc khí cũng sẽ tiêu hết.

Nhà Phật thường giảng nhân quả báo ứng, miệng của một người nói lời gì thì sẽ đắc được quả ấy. Cho nên, trong Kinh Phật cũng dạy lời nói phải mềm dẻo, ôn nhu.

Nói lời không nên quá cứng rắn, cũng không được “khẩu thị tâm phi” (nói một đằng nghĩ một nẻo), lại càng không nên xoáy vào nỗi đau của người khác. Không nên nói lời chế nhạo người khác, luôn nhìn vào nhược điểm của người khác, phải biết rằng con người không ai hoàn mỹ và trong mắt người khác bạn cũng có không ít nhược điểm.

Lời nói xuất phát từ tâm, tâm của bạn lương thiện thì lời nói cũng không cay nghiệt. Nếu hôm nay bạn dùng lời nói khiến người ta khó xử thì rất có thể ngày mai bạn sẽ gặp phải cảnh đó.

3. Người gặp chuyện là oán trời trách đất

Oán giận có lẽ là điều vô dụng nhất trên đời này. Oán trời trách đất chỉ là biểu hiện của việc thừa nhận bản thân quá hèn yếu.

Một người nếu gặp chuyện luôn oán trời trách đất, không thể nhận rõ chính mình thì vĩnh viễn không trưởng thành được. Người hễ gặp chuyện là tìm nguyên nhân và đổ cho khách quan, luôn trách cứ người khác thì vĩnh viễn không tiến bộ được.

Cổ nhân có câu: “Thiên Đạo thù cần”, tức là đạo Trời sẽ ban thưởng cho người cần cù, cố gắng, chăm chỉ. Oán trời trách đất chỉ có thể làm lãng phí thời gian của bản thân, thể hiện là một người không nhìn ra được vấn đề của bản thân. Người như vậy sẽ rất khó cố gắng, đã không cố gắng thì sao có được vận khí tốt?

Quản tốt cái miệng là một loại mỹ đức

Có một câu chuyện kể rằng: Một ngày nọ, tôi đi đến một cửa hàng mua sắm, người ở đó không đông lắm nhưng cả hàng người đều dừng lại mà không tiến lên. Tôi hướng mắt về phía trước và nhìn thấy một cô gái trẻ ăn mặc chỉnh tề đang quẹt thẻ. Cô gái ấy quẹt thẻ rất nhiều lần, nhưng mỗi lần quẹt thẻ thì hình như chiếc máy đều “cự tuyệt” cô.

“Nhìn có vẻ như đó là một thẻ phúc lợi”, người đàn ông ở phía sau tôi lẩm bẩm: “Người thì trẻ, khỏe, tứ chi lại đầy đủ như thế, mà lại dựa vào phúc lợi để sống. Tại sao không tìm lấy một công việc mà làm giống như những người cùng trang lứa khác?” Nghe thấy tiếng nói, cô gái trẻ quay đầu lại nhìn xem ai vừa nói.

Người đàn ông ở phía sau tôi vừa chỉ tay vào chính mình vừa nói: “Đúng, là tôi nói đó”,

Cô gái trẻ lập tức đỏ bừng mặt, nước mắt sắp trào ra, cô ném cái thẻ phúc lợi đi, rồi cúi đầu chạy thật nhanh ra khỏi cửa hàng. Cô gái rất nhanh chóng biến mất trong cái nhìn soi mói của tất cả mọi người ở đó.

Mấy phút sau, một thanh niên trẻ tuổi bước vào cửa hàng. Cậu ta đi vào cửa hàng và hỏi nhân viên thu ngân có biết cô gái kia đâu không. Nhân viên thu ngân cửa hàng nói rằng cô ấy đã vứt thẻ lại và chạy đi rồi.

Cậu thanh niên lo lắng hỏi mọi người ở đó: “Tôi là bạn của cô ấy, rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì vậy ạ?”

Người đàn ông phía sau tôi lên tiếng: “Là do tôi đã nói ra một câu ngu xuẩn khi nhìn thấy cô ấy sử dụng thẻ phúc lợi. Đáng lẽ ra tôi không nên nói như thế, thật xin lỗi!”

“Ôi, vậy là gay go rồi. Sự tình là thế này, cha mẹ của cô cấy đều đã mất, hai năm trước, anh trai của cô ấy cũng đã bị giết chết ở Afghanistan, để lại ba đứa em nhỏ cho cô ấy nuôi dưỡng. Cô ấy năm nay mới chỉ 21 tuổi mà phải nuôi nấng 3 đứa em nhỏ nên rất đáng thương.” Cậu thanh niên nói cho mọi người nghe với vẻ vừa xúc động vừa lo lắng.

Cậu thanh niên hai tay lắc lư và trong lòng lo lắng: “Không ngờ hôm nay lại xảy ra cơ sự này…”

Cuộc sống thường ngày của chúng ta cũng như vậy, có những chuyện chúng ta nhìn thấy bằng mắt nhưng sự thật lại ẩn sâu bên trong đó. Đừng vội vàng kết luận điều gì khi chưa nắm rõ chân tướng sự việc, cũng đừng buông lời cay nghiệt khi chưa hiểu hết nguyên do. “Khẩu nghiệp” mà chúng ta tạo ra không phải chỉ mình chúng ta nhận hậu quả mà đôi khi, nó còn làm tổn thương người khác, thậm chí có thể đẩy họ đến bước đường cùng.

(vn.pngd)

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Powered by luatnhanqua.com DMCA.com Protection Status