Chuyển tới nội dung

Vì sao đàn ông thông thái chọn vợ nhìn vào đức hạnh chứ không phải nhan sắc?

  • bởi

Ta thường nghe nói “Sau lưng người đàn ông thành đạt chính là bóng dáng một người phụ nữ”, ý là sự thành công một đời của người đàn ông nằm ở đóng góp to lớn của người phụ nữ bên cạnh họ. Vậy người phụ nữ như thế nào mới có thể giúp người đàn ông thành tựu đến như vậy?

Ngày nay sắc đẹp người phụ nữ được ca ngợi và hình tượng hóa, nhiều người còn cho rằng “Hồng nhan bạc triệu” nên ra sức chạy theo trào lưu phẫu thuật thẫm mỹ, với ý nghĩ sẽ đổi đời và kiếm được “đại gia”.

Nhưng quay ngược thời gian về với lịch sử xa xưa, những bậc anh hùng cái thế, làm nên việc lớn lưu danh thiên hạ, thì sau lưng họ là bóng dáng của một người vợ đức hạnh, tài trí chứ không phải là nhan sắc, thậm chí nhan sắc còn rất tầm thường có thể nói là “ma chê quỷ hờn”.

Gia Cát Lượng từng có bài tản văn như thế này:

Phụ nữ xấu như tách trà. Ngồi trong sân vắng vẻ, tách trà như tâm tình của cô gái. Xuân qua thu lại, thế sự như mây. Người đời hay nói: rượu, thuốc lá, trà là ba báu vật của đàn ông. Tài nữ như thuốc lá, mỹ nữ như rượu nồng, còn phụ nữ xấu chỉ lặng lẽ như trà tỏa hương. So với hương trà man mác, vô luận khói thuốc đắng cay hay men rượu nồng nàn, đều thành dung tục. Song người đời lại say mê sự kích thích của rượu và thuốc lá, ít ai thư thái để tận hưởng vị thanh khiết của trà.

Đúng vậy, phụ nữ xấu thì không lồ lộ vẻ đẹp trời ban, song tâm hồn họ thanh tao như hương trà. Xa lánh thế gian huyên náo mới có thể giữ được sự thuần khiết của tâm hồn, mới có thể hiểu nhã thú của đời người. Phụ nữ xấu, bất kể đi làm hay ở nhà, việc gì họ làm cũng chỉn chu. Phụ nữ xấu cũng lương thiện, biết hy sinh, không cầu báo đáp, không tranh giành, hệt như hương trà u mặc thời ẩn thời hiện.

Song, trong khi người đời tán dương tài nữ, ca ngợi mỹ nữ thì họ lại đối xử với phụ nữ xấu thật bất công. Phụ nữ xấu chan chứa thương yêu mà không một ai nhớ họ, nhưng họ cũng không để ý mà chỉ rút vào im lặng. Trong khi những người đẹp làm bao chuyện ầm ĩ, người phụ nữ nhan sắc tầm thường vẫn thản nhiên giữ gìn mỹ đức.

Có một điều an ủi, nhiều người đẹp khi trút lớp phấn son ra, họ xấu hổ không còn dám đứng trước phụ nữ xấu. Phụ nữ xấu yêu ai, người đó sẽ là người tình trong mộng. Họ khiêm nhường, như tách trà. Một làn gió nhẹ thổi qua, mặt tách trà gợn sóng, chờ đợi người tới thưởng thức. Mà người thưởng trà sẽ có được một đời hạnh phúc“.

Không ngẫu nhiên mà một bậc tài trí hơn người, thận trọng mọi việc, bách chiến bách thắng, tiếng tăm lừng lẫy vang danh bốn bể như Gia Cát Lượng lại viết bài tản văn nghe thâm thúy đến vậy. Bởi lẽ, vợ của ông là một cô gái “xấu xí hơn người” nhưng tài đức không ai bì kịp, Hoàng Nguyệt Anh.

Sử sách ghi lại rằng bà Hoàng Nguyệt Anh vốn là là một cô gái thô kệch, tóc vàng, da đen, thậm chí trên da còn nổi lên chút nhăn nheo như da gà khiến người ngoài nhìn vào không khỏi “phát run”. Nhưng phẩm chất đức hạnh của bà lại nổi tiếng khắp nơi xa gần. Bà là con gái của danh sĩ Hoàng Thừa Ngạn ở Hà Nam.

Hoàng Nguyệt Anh tuy là cô gái xấu xí nhưng có kỳ tài, không phải là nữ nhi bình thường trong thiên hạ. Bà có khả năng chế tác “robot” từ gỗ, chẳng hạn như chó gỗ có khả năng phát hiện người lạ và nghe lời khi bị chủ mắng, hay người gỗ có khả năng nấu cơm, nấu mỳ, không những vậy, tốc độ rất nhanh, động tác cũng rất chuẩn xác…

Ngoài ra, Hoàng Nguyệt Anh cũng không ít lần giúp đỡ phu quân xử lý việc quân sư đại sự. Ví như sáng chế “Trâu gỗ” vận chuyển quân lương, giảm tải cho 10 vạn đại quân. Hay như phát minh ra một loại vũ khí mới gọi là “Nỏ Liên Châu”, loại nỏ này phát ra uy lực khủng khiếp. Tương truyền đại tướng Trương Cáp của nước Nguỵ chính là bị nỏ này bắn chết. Bà lo lắng cho phu quân khi đến phương nam vào mùa hè thời tiết có nhiều chướng khí nên đã phát minh ra “Gia Cát Hành Quân Tán” và “Ngoạ Long Đan” để phòng khi mắc bệnh dùng.

Ngoài khả năng chế tác siêu phàm thì bà còn là một phụ nữ gia đình khéo léo, giỏi thêu thùa, may vá, vẽ tranh, trồng cây, nấu ăn. Sau khi về làm vợ Gia Cát Lượng thì mọi việc lớn bé trong nhà đều một tay bà chu toàn. Bạn hữu đến nhà đều được bà thết đãi rất nồng hậu nên ai ai cũng không ngớt lời ngợi khen. Con cái sinh ra đều được bà thai giáo từ bé. Chính nhờ người vợ hiền thảo như vậy mà Gia Cát Lượng có thể chuyên tâm lo việc đại sự quốc gia, làm nên việc lớn.

Là một người thông minh như Gia Cát Lượng đương nhiên ông biết rằng người mình cần lấy mà một hiền thê chứ không phải là “Bình hoa”. Và cũng không riêng Hoàng Nguyệt Anh mà trong lịch sử Trung Quốc còn có những người phụ nữ xấu “ma chê, quỷ hờn” lại khiến các bậc trượng phu phải kính nể, xem trọng về tài đức như hoàng hậu Mô Mẫu, hoàng hậu Chung Vô Diệm hay Nguyễn Thị, Mạnh Quang.

Cổ ngữ có câu: “Lấy vợ coi trọng hiền đức”. Bậc thánh nhân và những người có phẩm hạnh đạo đức cao thượng đều coi trọng đạo đức, hành thiện, kính trời, biết mệnh, không chấp trước vào danh lợi mà nghiêm túc tuân thủ lễ pháp kết hôn, coi trọng đạo vợ chồng. Họ cho rằng, chỉ người phụ nữ có phẩm hạnh đạo đức, hiền thục, trí tuệ mới có thể tề gia, dạy bảo con trở thành người tốt.

Trong Đạo gia từng có câu: “Dung nhan đoan trang, mộc mạc mới thể hiện ra giá trị của khí chất. Phục sức nếu quá xa hoa thì sẽ lộ ra sự dung tục”. Ý tứ chính là đề cao chuẩn mực đạo đức của người phụ nữ, khích lệ sự cần kiệm, chăm lo việc nhà, chú trọng tu dưỡng nội tâm, làm phong phú trí tuệ của bản thân, không nên tiêu phí quá nhiều thời gian, tiền bạc vào trang sức, quần áo và trang điểm cho vẻ bề ngoài.

Người phụ nữ như vậy mới có thể trở thành người phụ nữ thực sự hiền đức. Người xưa cũng cho rằng, chỉ có người phụ nữ thực sự có giáo dưỡng, có trí tuệ mới có thể phụ giúp chồng làm thành việc lớn và dạy dỗ con cái thành người hiền tài. “Giúp chồng, dạy con” vừa là trách nhiệm và cũng là lời khen ngợi đối với phụ nữ thời xưa.

Kinh Thánh có ghi chép về người phụ nữ rằng: “Chớ tìm kiếm phục sức bề ngoài như giắt tóc, đeo đồ vàng, mặc áo quần lòe loẹt; mà hãy tìm kiếm trang sức giấu ở trong lòng, tức là sự tinh sạch chẳng hư nát của tâm hồn dịu dàng im lặng, điều đó mới là sự quý giá trước mặt Đức Chúa Trời”.

Cổ nhân ca ngợi phụ nữ có khí chất bao gồm: Nghi thái (lễ tiết), ngữ thái (giọng điệu lời nói), tình thái (biểu đạt tình cảm), khí thái (tính cách), tâm thái (biểu hiện nội tâm), và thần thái (hàm dưỡng tinh thần), sau đó mới đến tư thái (dáng dấp dung mạo).

Sức hút của người phụ nữ thì 7 phần ở tinh thần 3 phần mới nằm ở dung mạo. Khi khí chất toát ra từ bên trong, thì vẻ đẹp này sẽ lâu dài hơn, lôi cuốn hơn, và sẽ không mất đi theo thời gian mà càng lúc càng được bồi đắp. Người phụ nữ mà từng lời nói cử chỉ hành động đều mang theo một khí chất riêng, thì sẽ khiến người ta yêu thích và trân trọng.

Sắc đẹp có thể phai tàn theo thời gian nhưng phẩm hạnh và tài trí thì sẽ luôn có thể được bồi đắp và mãi trường tồn. Một người đàn ông thông thái, có nội hàm tu dưỡng và cái nhìn sâu sắc thì tất nhiên sẽ chọn cái đẹp vĩnh cửu, một người vợ thông minh khéo léo giúp họ làm nên đại sự chứ không phải là “một bình hoa di động”.

Khi cưới được một người vợ như vậy thì cũng đồng nghĩa họ có một trợ thủ đắc lực trong sự nghiệp, và một tách trà thơm thanh khiết thưởng thức mãi không biết chán.

(Suy ngẫm – mnmcn)

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Phát triển bởi top10congty.com DMCA.com Protection Status