Chuyển tới nội dung

Bình tĩnh thản nhiên với sự vu oan giá họa

  • bởi


Tại sao chúng ta phải học hạnh kham nhẫn, chịu đựng trong mọi hoàn cảnh? Nỗi khổ, niềm đau chúng ta có thể chịu nổi chứ không phải là không chịu được, nếu chịu không được thì ta làm sao sống được.

Bằng chứng là có một số người vì chịu không nỗi nên mới tự tử chết, còn ai đang sống tức là có sức nhẫn nhịn chịu nhiều hay ít mà thôi, có kham nhẫn mới sống được trong cuộc sống này.

Song, nhẫn ở đây không phải chỉ nhận chịu sự mắng chửi, vu oan, huỷ nhục hoặc cách thức đối xử tệ bạc của người đời mà nhẫn ở đây là nhịn chịu mọi trường hợp không như ý. Trong cuộc sống, người thế gian thường quan niệm nhẫn là khi người ta nói làm trái tai gai mắt, nói lời hung dữ, chửi mắng thì mình phải trân mình, gồng mình, mím môi lại để mà nhịn chịu. Nhẫn theo cách này thì có giới hạn vì còn sự đè nén bên trong, chúng ta có thể nhẫn lần thứ nhất, thứ hai, rồi đến lần thứ ba thì nhẫn không nổi nữa. Đến lúc không chịu nổi nữa thì nổi trận lôi đình rồi quyết ăn thua đủ với người đó.

Thánh hiền dạy chúng ta nhẫn không phải gồng mình nhịn chịu mà phải thấy lời nói như gió thoảng mây bay, nhờ có trí tuệ soi sáng nên thấy mọi việc trái ý nghịch lòng rất nhẹ nhàng, êm ái. Phật dạy người xấu ác hay mắng chửi, hãm hại người khác cũng giống như kẻ ngậm máu phun người tự làm dơ miệng mình. Cũng như người đứng ngược gió ném bụi, người đứng dưới gió hốt bụi ném thì gió sẽ đùa bụi trở lại phủ trên đầu, trên mặt người ném. Người bị ném thì bụi không bay tới nên họ chẳng hề gì. Như vậy, người nóng giận chửi mắng hay huỷ nhục người khác chưa hại được ai mà đã tự làm cho mình khổ đau, khó chịu.

Hoặc đang khi trời nóng bức mà chúng ta phải làm việc ngoài trời, mồ hôi ra nhễ nhại nhưng mình vẫn vui, không bực bội, khó chịu, không bỏ dỡ công việc thì cũng là sự nhẫn chịu. Nhẫn không phải chỉ là sự nhẫn nhịn khi bị người chửi mắng, lấn hiếp mà chúng ta còn phải nhẫn nhịn với hoàn cảnh khắc nghiệt, nhẫn với bản thân trong mọi điều kiện. Thân nhọc nhằn, nóng bức, đói rét cũng phải kham chịu, đó là nhẫn ở tâm mình và nhẫn ở thân mình.

Một lần khác Phật cũng đi giáo hóa ở một làng Bà-la-môn nọ, số người tu theo Bà-la-môn bỏ tu theo Phật ngày càng đông. Một thầy Bà-la-môn quá tức giận nên sinh tâm thù ghét, oán hờn Phật. Nhân lúc Phật đi khất thực ngang qua làng, ông nhân cơ hội trả thù bèn đi theo sau Phật chửi nhưng Phật vẫn ung dung, bình thản bước đi. Đến ngã tư đường Phật lấy tọa cụ trải trên đất rồi ngồi kiết già, thầy Bà-la-môn chạy lại trước Phật hỏi: “Cồ Đàm, ông thua tôi chưa?” Phật bèn nói kệ:

Người hơn thì thêm oán
Kẻ thua ngủ chẳng yên
Hơn thua hai đều xả
Ấy được an ổn ngủ.

Phật dạy, người tranh giành để mình được hơn kẻ khác thì người thua càng thêm oán giận, thù hằn mà tìm cách làm hại lại; kẻ thắng thì dương dương tự đắc, cứ nghĩ mình hay hơn người nên sinh tâm cống cao ngã mạn coi thường mọi người, làm tăng trưởng thêm sự sân hận. Cho nên, cả hai ý niệm hơn thua đều phải buông xả thì tinh thần mới được an ổn, thoải mái mà ngủ nghỉ. Chúng ta thấy, người giành hơn và kẻ thấy mình thua đều sẽ chuốc lấy khổ đau. Thế cho nên, chúng ta phải sáng suốt nhờ biết quán chiếu thường xuyên nên buông xả bỏ qua mà không buồn, không giận.

Trường hợp nếu ta là người tốt mà bị người khác chê bai, chỉ trích thì ta cũng hãy bình thản, an nhiên mỉm cười mà thôi. Chỉ có người bị chê mà vẫn tươi tỉnh, vui vẻ, ai nói sao cũng cười thì người đó mới trọn vẹn là tốt. Đó mới là chân thật nhẫn nhục, không phải sự gồng mình chịu đựng mà là dùng trí tuệ thấy đúng lẽ thật. Vậy tất cả chúng ta muốn tiến bộ, có kết quả tốt là phải có đức nhẫn nhục, kham chịu trong mọi hoàn cảnh.

Chúng ta thường xuyên thực tập quán tâm trong tâm sẽ giúp ta biết về tâm một cách vững vàng. Không ai biết tâm mình bằng chính mình, tâm mình nghĩ xấu nghĩ tốt mình đều biết cả. Mình có thể giấu diếm, qua mặt người khác nhưng mình không thể che giấu chính mình. Khi quán tâm chúng ta sẽ thấy tâm vô thường, luôn biến chuyển, đổi thay như một dòng nước chảy. Việc bị bôi xấu, bị mắng chửi, bêu rếu trước mặt nhiều người đều do sự tác động của nhân quả xấu chiêu cảm. Nhưng chúng ta tu là mục đích để chuyển nghiệp và hoá giải nghiệp nên mình không đổ thừa tại-bị-thì-là. Nếu không dám can đảm nhận chịu mọi thứ tốt xấu trong cuộc sống mà cứ mãi đổ thừa cho nghiệp rồi buông tay tới đâu thì tới, thì chúng ta không thể tiến bộ được.

Việc tìm cách bôi nhọ hay mắng chửi để hạ uy tín người khác mà không dám trực tiếp đối diện là tâm địa của những quá ích kỷ và sợ hãi nên phải viết kịch bản, phải dàn dựng đủ thứ. Người tu như chúng ta trong thời hiện tại có cần phải lên tiếng đính chính việc vu oan giá hoạ này để mang lại thanh danh cho bản thân mình không, hay chúng ta phải thực tập im lặng? Nếu chúng ta đã quyết tâm tu học thì việc bôi xấu hay mắng chửi đó đúng hay sai nếu có ai hỏi thì mình trả lời còn không thì thôi, ta không cần phải đính chính.

Sở dĩ đức Phật nhiều lần bị huỷ nhục, bị mắng chửi nhưng Ngài vẫn im lặng, không đính chính là vì Ngài đã an nhiên, tự tại, làm chủ được bản thân. Chúng ta thấy, những gì đang diễn ra và đang xảy ra trước mắt đều là vô thường, thoáng qua nhanh. Người đi bôi xấu hay mắng chửi ta là do lòng tham lam, ích kỷ, do tâm ganh ghét, đố kỵ sai khiến. Người đó đang lạc đường nên rất bơ vơ, đau khổ và sợ hãi nên thường sống trong đau khổ lầm mê.

Sự kham nhẫn còn cần phải thực hành đối với thời tiết thất thường và sự tấn công của các loài sinh vật. Thời tiết thay đổi với sự nóng lên của trái đất, nước biển ngày càng dâng cao, con người phá huỷ rừng khai thác gỗ ngày càng nhiều nên nơi nào nóng thì nóng hơn, nơi nào lạnh thì lạnh hơn vì mất cân bằng âm dương. Thời tiết thay đổi thất thường làm ảnh hưởng lớn đến đời sống loài người, sự trồng trọt các loại hoa màu trở nên khó khăn, hao hụt, tốn kém nhiều và bệnh tật ngày càng phát sinh thêm.

Thời tiết nóng bức làm cho con người dễ trở nên cáu gắt, bực tức và không kìm chế được cơn giận. Thời tiết quá lạnh thì làm con người dễ trở nên trầm cảm. Chúng ta sống trong môi trường lạnh, môi trường mát mẻ hay môi trường nóng bức đều do sự chiêu cảm của nghiệp báo. Người có thói quen nóng nảy hay bực bội, khó chịu thì sống trong môi trường nóng bức, ngột ngạt, chật chội. Người có lòng từ bi, biết kham nhẫn, biết tha thứ, biết bao dung và độ lượng thì sinh ra trong môi trường mát mẻ, thời tiết thuận lợi.

Cho nên, khi gặp hoàn cảnh khắc nghiệt chúng ta không nên ngồi đó mà than thân trách phận hay đổ thừa tại-bị-thì-là. Chúng ta hãy biết nhìn lại chính mình, nếu nóng quá thì mặc đồ mát, còn lạnh quá thì mặc áo ấm. Ta biết kham nhẫn với thời tiết là đã biết cách điều hoà trong cuộc sống vì luôn giữ cho tâm mình an ổn để làm tròn trách nhiệm đối với gia đình, người thân và xã hội. Chúng ta hãy thực tập kham nhẫn, nhịn chịu trong mọi hoàn cảnh và sống với tâm tỉnh giác thì việc gì cũng tốt đẹp hết.

Nguồn: Văn Hóa Phật Giáo

3/5 - (3 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Designed by trangtrida.com DMCA.com Protection Status