Chuyển tới nội dung

Cỗ bài tam cúc của bà

  • bởi

Ngày trước, khi Tết sắp đến, tôi và chị mong mặc áo mới, được lì xì, bố chờ bạn đồng ngũ đi làm ăn xa về để liên hoan, mẹ hỏi han cô này bà kia để chuẩn bị đi lễ đình chùa.

2wZeEbDR.jpg
Chơi bài Tam cúc trong tranh dân gian – Ảnh: Internet

Chỉ có riêng nỗi ao ước của bà cũng là chung cho cả nhà: “Bà chỉ mong có một lũ con cháu ngồi chơi tam cúc với bà thôi”.

Bà là con vợ lẽ trong một gia đình địa chủ sa sút có đến 21 người con nên sự hiện diện của bà thật nhỏ nhoi.

Một chữ cắn đôi không biết, nhưng đủ chuyện trên trời dưới bể bà đều tỏ tường. Đến khi lấy chồng, bà cũng lại là vợ lẽ của ông, cũng lại một lũ con chín đứa. Bà vừa cười vừa xua tay: “ai giàu hai họ, ai khó ba đời đâu con”.

Suốt từ nhỏ cho đến tận cái tuổi “xưa nay hiếm” này, bà chỉ có hai trò để giải trí. Khi vui khi buồn bà đều nhẩm trong miệng những Còn duyên, Thân lươn bao quản lấm đầu… Khi chăn trâu cắt cỏ, nghỉ trưa…, bà lại cùng chúng bạn chơi vài ván tam cúc mua vui chốc lát.

Những ngày gần Tết, một câu “khoe” cửa miệng của bà với những người khách đến nhà là: “Nhà tôi đông con đông cháu. Cứ đến Tết là chúng nó về vui lắm!”

Ngày mùng một, các cô, chú, bác, anh, chị đến chúc Tết bà đông chật nhà. Bà mặc áo bông ngồi đắp chăn trên giường, tay xoa đầu mấy đứa cháu, miệng khen chúng học giỏi, ngoan ngoãn.

Trong khi người lớn trải chiếu ra ngồi hàn huyên bên chén rượu hạt mít thì lũ cháu chúng tôi tranh nhau trèo lên giường để được chơi tam cúc với bà.

Những cây bài của bà có lưng trắng tinh và thơm mùi giấy mới khiến lũ cháu háo hức đến lạ.

Miệng bà nhai trầu bỏm bẻm, tay bà chia bài chậm rãi mới thảnh thơi làm sao! Những khi ai gặp số đỏ như có tứ tử trình làng, ngũ tử cướp cái… thì cả “làng” lại ồ lên ghen tị. Sau khi hết bài, “nhà” nào thiếu “quân” để “bình” thì phải vay những “nhà” dư, mỗi “quân” tương ứng với 100 đồng.

Trước đó, bà đã chuẩn bị sẵn một sấp tiền lẻ để đổi cho lũ cháu. Bà khuyên: “Vài đồng lẻ này thì cũng như là gia vị thôi, chứ bà cấm mấy đứa chơi vì mấy đồng này đấy nhé!”.

Những khi ai được kết đôi hay kết ba thì cả “làng” lại nhăn mặt nhăn mũi vì thua. Lúc ấy, bà lại động viên: “Thua keo này ta bày keo khác, lo gì!”, hay hỏi vui: “Cu Bình đã vỡ nợ chưa, để bà “tài trợ” cho nào?”

Tôi nằm trong vòng tay của bà ngay từ những ngày đầu đời và lớn lên cùng với độ còng ngày càng tăng của lưng bà. Thỉnh thoảng, bà lại chống gậy sang nhà bà hàng xóm hay ra quán nước của bà ngoại để chơi tam cúc mua vui.

Càng về sau, bà càng yếu nên chỉ nằm ở nhà. Những lúc ấy, tôi là “bạn chơi” thường xuyên của bà. Bà chỉ cho tôi những “chiêu độc”… Nhờ những chiêu đó mà tôi là đứa chơi tam cúc giỏi nhất trong đám trẻ con cùng xóm.

Những đêm mùa đông lạnh cóng, bà véo nhẹ tôi ra hiệu là đấm lưng, xoa bóp cho bà thì tôi liền “lợi dụng” cơ hội để ra điều kiện: “Ngày mai bà phải chỉ cho cháu mấy “chiêu” nữa nhé!”. Bà ừ ừ trong tiếng thở chậm như vũ điệu của ngọn đèn dầu leo lét trên bàn.

Đến bây giờ thì bà cũng đã đi đoàn tụ với ông và nơi xa ấy, có lẽ bà vẫn hàn huyên với những bà bạn bên cây tam cúc được 5, 6 năm rồi. Ở thành phố phương Nam quanh năm ấm áp này, tôi vẫn giữ cỗ tam cúc ngày xưa và nhớ những ngày rét mướt bên bà biết bao!

Ở miền quê Kinh Bắc ấy, có còn ai chơi tam cúc nữa, hay cũng đã trở thành trò vui của một thời rồi?

TRẦN BÌNH

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Powered by trangtrida.com

DMCA.com Protection Status