Chuyển tới nội dung

Nghiệp Chướng Đã Quá Sâu Nặng, Huệ Mạng Chúng Ta Đang Rất Nguy Hiểm

  • bởi

Xin thưa rằng, nghiệp chướng của chính chúng ta quá lớn, ta tu như thế này thực sự so với cái nghiệp báo mà chúng ta sẽ thọ hưởng trong lúc xả bỏ báo thân thì chưa thấm thía vào đâu hết. Chính vì vậy, nếu mà chư vị thấy sợ con đường đọa lạc, cúi xin chư vị hãy hạ quyết tâm.

Ngài Tĩnh-Am mỗi khi kêu gọi Phật tử hạ quyết tâm, Ngài quỳ xuống!.. Một vị Hòa Thượng mà Ngài quỳ xuống, chắp tay lại… Trước khi Ngài nói những lời gì đó mà dòng nước mắt của Ngài rơi xuống!…

Ở đây chúng ta toàn là phàm phu tục tử, mà không hạ quyết tâm thì chắc chắn con đường vãng sanh bị nhiều trở ngại. Ngài Ấn-Quang Đại Sư là một Đại Tôn Sư của thời cận đại mà Ngài âm thầm, lặng lẽ niệm Phật. Ngài không dám nhận một chức trụ trì chùa nào hết, vì Ngài nói rằng cái nghiệp của Ngài nặng quá, Ngài không đủ khả năng!?… Mà thực tế đức độ của Ngài rất là cao, nên khi Ngài tới một đạo tràng nào thì Phật tử lại ùa tới rất đông. Khi đông người quá thì Ngài lại lẳng lặng tìm một cái miếu hoang tới đó tu. Ngài cần phải tăng thêm thời gian tu hành! Nhưng vì đức độ của Ngài cao, nên đi tới chỗ nào thì Phật tử cũng ùa theo tới đó. Sau cùng Ngài mới trốn trong Tàng Kinh Các để quyết lòng tu… Chúng ta thấy, những vị Đại Tôn Sư như vậy mà các Ngài còn phải hạ quyết tâm!

Ngài nói, “Vì sợ Địa Ngục cho nên phải tu ngày tu đêm”… Trong căn phòng niệm Phật của Ngài, Ngài để một tấm hình A-Di-Đà, một quyển kinh A-Di-Đà và sau tượng Phật đó Ngài để một chữ “Tử” rất lớn. Ngài khuyên chúng sanh hãy viết chữ “Tử”, tức chữ “Chết” dán lên cái đầu này, dán lên cái trán này để ngày ngày nhắc nhở chúng ta là sẽ chết bất cứ lúc nào… Mà khi chết chúng ta bị đoạ lạc! Sợ địa ngục cho nên phải tu. Sợ địa ngục cho nên phải tăng cường thời gian tu.

Niệm Phật đường chúng ta nhất định quyết lòng tu thực, quyết lòng tu cho đến nơi đến chốn, ta niệm Phật quyết định về Tây Phương Cực Lạc cho được!…

Chính vì vậy, những người đã bệnh, xin chư vị hãy hạ quyết tâm liền đi, đừng để đến ngày mai. Nhiều khi chỉ qua một đêm, sáng ra chúng ta:

Đã bị đột quỵ rồi!

Đã bị tai biến mạch máu não rồi!

Đã bị mê man bất tỉnh rồi!…

Có lẽ năm ngoái chúng ta có nghe một vị mới 54 tuổi, đang rất là khỏe. Từ nhà lái xe đi làm, vừa đậu chiếc xe bước vô trong tiệm thì tự nhiên té xỉu, đem vô bệnh viện một ngày sau thì chết. Thật không thể đơn giản!

Cho nên người đã bị bệnh, đây là một bài pháp vô thường nhắc nhở cho chúng ta. Xin chư vị mau mau hạ quyết tâm, không thể nào ỷ y vào ban hộ niệm của Niệm Phật Đường được. Năm ngàn câu A-Di-Đà Phật một ngày quá ít! Phải tăng lên liền. Nếu chúng ta niệm không đủ mười ngàn câu A-Di-Đà Phật thì phải tăng nhanh lên, không tăng sức niệm nhanh thì phải tăng thời gian lên. Quyết lòng mà niệm Phật. Nằm trên giường trong lúc chóng mặt niệm câu A-Di-Đà Phật, sau cơn ho phải niệm câu A-Di-Đà Phật, sau khi đi vệ sinh xong thì niệm câu A-Di-Đà Phật…

Ngài Ấn-Quang Đại sư dạy niệm như thế này, đi vào trong nhà vệ sinh cũng phải thầm niệm Phật, chứ không phải ngồi trong nhà vệ sinh mà không niệm Phật. Lúc đó phải niệm thầm, đừng niệm lên tiếng. Ngài Đại-Thế-Chí nói rằng, phải đóng lục căn lại. Tức là không coi báo, không coi Ti-Vi, không coi phim chưởng, không nói chuyện thị phi, không kêu bạn bè tới bàn ra tán vô, không bày cuộc trà ra nói chuyện… Nhất định đóng hết lại!
“Tịnh niệm tương kế”. Thanh tịnh niệm câu A-Di-Đà Phật liên tục, không ngừng. Không cần gì khác cả, nhất định tâm chúng ta sẽ khai mở, nhất định khi đó sẽ pháp hỷ sung mãn.

Chính vì vậy, những cuộc tinh tấn này mà chúng ta thấy vui vẻ thoải mái tham gia, nếu như tuần qua ta còn tu thử, thì tuần này nhứt định bắt đầu ta tu thực. Ngược lại, nếu ta thấy rằng những cuộc tinh tấn này làm cho mình mệt mỏi quá, thì có lẽ ta đúng là những người tu thử! Tu thử tức là tu giả. Tu giả tức là hàng ngày chúng ta tới đây giả đò niệm Phật! Quỳ trước bàn thờ Phật chúng ta nguyện cái gì đó, là nguyện láo! Hòa Thượng nói: “Tu thử, nguyện láo là gạt Phật!”… Sáng gạt một lần, chiều gạt một lần, nhất định ách nạn không có thể nào trốn thoát được! Tất cả đều do chính cái tâm của chúng ta thể hiện lấy.

Một người thích “Casino”, nhìn tới cái chùa, nhìn tới Niệm Phật Đường thấy người ta tu hành sao chán quá! Đây chính vì cái tâm của người ta là tâm lục đạo. Một người vào trong Niệm Phật Đường niệm Phật say mê, niệm câu A-Di-Đà Phật thấy vui vô cùng. Đi xi-nê họ chán vô cùng, còn tới Niệm Phật Đường thì vui vẻ… Đây là người thực tu, cái tâm người ta là tâm tu hành, cái tâm này là tâm giải thoát! Con đường giải thoát làm cho họ vui vẻ, còn nếu tâm lục đạo luân hồi thì nhất định những cuộc tinh tấn niệm Phật, những buổi niệm Phật giống như một sự ép buộc, nó dài lê thê!… Họ chịu không nổi!

Xin thưa vì “Sanh tử sự đại”, vì sự giải thoát của chính mình, mong chư vị hạ quyết tâm. Và dù thế nào đi nữa, nhất định Niệm Phật Đường của chúng ta cũng sẽ tiến tới, phải tu càng ngày càng tinh tấn hơn. Những người nào không đi làm, thời gian rảnh rỗi, tuổi đã lớn thì cơ hội này giúp cho chư vị thực hiện sự thành tựu… Nhất định. A-Di-Đà Phật phát thệ, trước giờ phút lâm chung niệm danh hiệu của Ngài mười niệm, mà Ngài không tiếp dẫn về Tây Phương Ngài thề không thành Phật. Đây là cái đầu mối gần nhất, dễ nhất cho chúng ta thành đạo Vô-Thượng trong một đời này.

Tuy nhiên, mình niệm tà tà như thế này, một ngày hai tiếng rưỡi đồng hồ niệm tại Niệm Phật Đường không thể nào được nhất tâm bất loạn đâu! Ta có nhị tâm, tam tâm, có hàng vạn tâm trong đó. Khi bước ra khỏi Niệm Phật Đường thì chúng ta lười biếng niệm Phật, chứng tỏ rằng cái tâm chúng ta theo lục đạo luân hồi nhiều hơn theo A-Di-Đà Phật về Tây Phương. Chính vì vậy mà sau cùng chúng ta vẫn có thể bị ách nạn

Nhắc đi nhắc lại câu này… Đừng bao giờ ỷ y vấn đề hộ niệm!

Cho nên hổm nay chúng ta nói lập nguyện, những người nào hạ quyết tâm niệm Phật là những người quyết lòng đi về Tây Phương. Những người không hạ quyết tâm niệm Phật thì nguyện vãng sanh là nguyện láo, niệm Phật là niệm chơi, tu là tu thử, không phải tu thực. Chính vì vậy mà vạn ức người tu hành không tìm ra một người đắc đạo chính là cái chỗ này. Cứ nghĩ rằng đã có ban hộ niệm, họ tới hộ niệm thì mình vãng sanh. Hồi giờ đi hướng dẫn hộ niệm khắp nơi, chưa bao giờ Diệu Âm nói câu này. Mà phải nói rằng, người nằm đó phải niệm câu A-Di-Đà Phật cho được. Hôm trước hộ niệm cho một người đã mê man bất tỉnh trong bệnh viện. Vì quá nể nang nên phải tới. Nhưng chúng tôi không dám hứa gì cả… Vì sao? Vì họ đã mê man bất tỉnh rồi!

Cho nên chư vị muốn được vãng sanh thì phải coi chừng, đừng mê man bất tỉnh. Nếu bị mê man bất tỉnh rồi, thì một trăm người nhiều khi chỉ có vài ba người thoát được mà thôi! Nghĩa là lúc người ta nằm xuống đó, một cơ may nào đó đã làm cho thần thức họ tỉnh lại, oan gia trái chủ buông ra mới được. Chứ thường thì mình chỉ nói chuyện với cục thịt, còn cái thần thức của họ đã chìm trong hàng vạn cảnh khổ đau, hàng vạn cảnh đọa lạc và oan gia trùng trùng đã bao vây hết trơn rồi!…

Muốn giải quyết chuyện này không có cách nào khác hơn là phải phát cái tâm vững mạnh mà niệm Phật ngày đêm. Xin những người đã bệnh phải lo niệm Phật ngày đêm, nhất định không thể chờ được. Nếu một ngày niệm được năm ngàn quá ít!… Hãy phát thệ lên, niệm mười ngàn câu A-Di-Đà Phật một ngày. Mười ngàn câu A-Di-Đà Phật một ngày thực ra cũng quá ít! Phải tăng lên mười lăm ngàn liền, phải tăng lên hai chục ngàn liền. Ngẫu-Ích Đại Sư đã đưa ra chỉ tiêu là ba chục ngàn câu A-Di-Đà Phật, thành tâm mà niệm một ngày. Ngài Ấn-Quang Đại Sư đưa ra tiêu chuẩn năm chục ngàn câu A-Di-Đà Phật một ngày. Chư vị đừng có nghĩ rằng đã là Đại Sư rồi, các Ngài tu ít. Người nào muốn được vãng sanh phải niệm như vậy. Thành tâm mà niệm.
Bây giờ chúng ta niệm không tới, thì lấy sự chí thành chí thiết. Quyết lòng phải buông xả cạnh tranh, ganh tỵ. Quyết lòng phải buông xả buồn rầu, lo lắng… Phải tập buông xả liền lập tức. Nếu không, xin thưa, đến đây kêu chúng tôi hộ niệm làm chi? Mà khi hỏi tới:

-Bác niệm được một ngày năm ngàn câu Phật hiệu không?

-Mệt quá! Tôi niệm không nổi”…

Niệm không nổi, thì chúng tôi cũng không có cách nào cứu được chư vị!…

Chính chúng ta phải cứu chúng ta! Mình quyết lòng niệm Phật như vậy mới có sự cảm thông, mới có sự gia trì. Rồi lúc đó người hộ niệm tới khai thị. Họ khai thị mà mình nghe được thì mới có tác dụng, mình nghe không được thì thôi chịu thua! Nghe rồi mình phải làm liền lập tức, chứ nghe rồi mà nói: “Trời ơi, tôi đau quá làm sao tôi niệm cho được?”… Họ cứ nghĩ đến cơn đau, không chịu nghĩ đến câu A-Di-Đà Phật! Họ không chịu tin! Đây thực sự là những người không chịu tin, không chịu phát nguyện, không muốn đi vãng sanh. Phật đã nói rằng, cứ tin cho vững vàng đi, phát nguyện cho thật là tha thiết đi, thì bao nhiêu cơn đau chập chùng đổ tới tự nhiên tan biến…

Tôi đã từng đưa ra những ví dụ, như chính ông cụ thân nhà tôi, là một người mà hai vị bác sĩ đứng nhìn không biết cách nào giải thích được. Ông Cụ bí tiểu mười một ngày, bàng quang căng cứng lên. Tôi hỏi ông Cụ:

– Đi bác sĩ không?

– Không!

– Đi bệnh viện không?

– Không! Không đi! Không cần!

– Chứ làm Sao?

– Niệm Phật!”…

Ông Cụ chỉ có niệm A-Di-Đà Phật… Hai vị bác sĩ nói, trường hợp này thì người bệnh phải bị mê man bất tỉnh! Nhưng Ông Cụ tỉnh táo cho đến giây phút cuối cùng. Tại sao vậy? Tại vì ông ta đã được xúi giục phải vững vàng tin, phải mạnh dạn buông xả, nên tự nhiên ngày giờ Ông ra đi được tỉnh táo.

Nếu ông ta nói, Trời ơi! Bắt cha tu thế này thì:

– Làm sao cha đánh được cuộc cờ tướng?

– Làm sao cha đi thăm bạn bè?

– Làm sao hưởng được các thú vui? Người ta hưởng mà mình không có….

Thì ông Cụ sẽ lăn lộn từ trên giường đến dưới giường để mà chết trong cảnh khổ đau!

Nhưng mà ông quyết lòng niệm Phật… Nhất định sẽ được sự gia trì.

Mong cho chư vị quyết lòng, vì cái huệ mạng ngàn đời ngàn kiếp quá ư là nguy hiểm, thật sự là nguy hiểm. Mong chư vị hạ quyết tâm.

Vui vẻ trong câu A-Di-Đà Phật. Lánh xa những chỗ ồn náo. Quyết định không chạy theo người thế gian. Một lòng giữ tâm mình trong câu A-Di-Đà Phật. Ngày ngày đều phát thệ nguyện vãng sanh về Tây Phương. Đối với bệnh trạng, đối với những gì khổ đau của thế gian hãy coi như là KHÔNG có đi, thì tự nhiên…

Vạn pháp do tâm tạo. Chúng ta đi về Tây Phương thực sự bằng cái tâm niệm “A-Di-Đà Phật”, chứ không có gì khác hết!

3.5/5 - (2 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Powered by hocgioitienganh.com DMCA.com Protection Status