Chuyển tới nội dung

Vàng bạc đầy nhà nhưng vẫn bị bỏ rơi: Bài học đắt giá về “khẩu nghiệp”

  • bởi

Nhiều khi, chúng ta mặc định mình “nói thẳng vì muốn tốt” nhưng không hề biết rằng chính thái độ không hòa nhã đã làm hỏng tất cả.

Thời Đức Phật còn tại thế, trong thành Xá Vệ có một trưởng giả rất giàu có tên là Bộ Tri Ca. Người này cha mẹ mất sớm nên không được giáo dục tử tế, tính tình lì lợm cứng đầu, rất dễ nổi nóng.

Mỗi lần nổi cơn sân hận, Bộ Tri Ca thường thốt ra những lời lẽ khó nghe, nên càng ngày càng bị người thân, thuộc hạ xa lánh.

Đến khi lâm bệnh nặng, không có lấy một người đến hỏi thăm. Bộ Tri Ca nằm liệt giường bởi không ai biết, cũng chẳng ai giúp gọi đại phu tới khám bệnh cho ông.

Đến lúc này, Bộ Tri Ca mới tỉnh ngộ nhận ra khẩu nghiệp mình đã gây ra trong suốt cuộc đời khiến giờ đây ông phải ngậm quả đắng, khi thân lâm bệnh tật mà cô đơn không một người thương mình ở bên.

Chúng ta cũng vẫn thường gặp rất nhiều những “Bộ Tri Ca” như thế trong cuộc sống, không chỉ ở thời đại của Đức Phật mà cho tới tận bây giờ.

Những người có tính tình thô bạo, hay chỉ trích và nổi nóng với người khác, đôi khi lại được gọi là những người “thẳng tính”, “bộc trực”.

Tuy nhiên, ranh giới giữa việc ưa “nói thẳng, nói thật” với hay “nói lời thô bạo” lại rất mong manh, nếu không tỉnh giác có thể khiến bạn sa vào ác khẩu lúc nào không hay.

Trong “Thập thiện nghiệp đạo Kinh” Đức Phật có dạy rằng: “Ác khẩu là nói lời thô ác, mắng chửi, nguyền rủa. Sự tai hại không hề nhỏ.”

Thực tế cuộc sống quả đúng như vậy, lời nói thô ác thường tạo ra hố sâu ngăn cách giữa người với người, đôi khi còn khiến người ta thù địch nhau, chém giết nhau chỉ vì một trận cãi vã.

 

Tránh ác khẩu bằng 5 câu hỏi đơn giản

Tất nhiên, “nói thẳng nói thật” hay “thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng” không đồng nghĩa với ác khẩu. Muốn biết một lời nói ra có phạm ác khẩu nghiệp hay không, cần xét đến hai yếu tố: động cơ và kết quả.

Phật giáo Mật thừa ở Tây Tạng ghi nhận lại có những trường hợp các đạo sư lại dùng cách lăng mạ để giáo dẫn học trò, khiến cho người học trò tỉnh ngộ ngay thời khắc bị mắng chửi.

Có thể kể tên Đạo sư Do Khyentse – người thầy hướng dẫn của đạo sư Patrul Rinpoche, một vị thày rất nổi tiếng ở Tây tạng đầu thế kỷ XIX.

Chuyện kể rằng, một lần Khyentse mắng học trò với lời lẽ rất khó nghe và giơ ngón tay út ra (một cử chỉ nhục mạ) khi phát hiện ra một suy nghĩ xấu nơi chàng trai trẻ. Ngay sau thời điểm đó, người học trò nhập thiền và chứng đắc một kinh nghiệm tỉnh giác nội tại vô cùng quý giá.

Trong câu chuyện này, việc mắng chửi học trò nhìn bề ngoài có vẻ rất xấu, rất tệ, nhưng ẩn sâu trong đó là một động cơ tốt, hơn thế lại đem đến kết quả tốt, do vậy đó không phải là khẩu nghiệp mà thực ra lại là một phương tiện thiện xảo của người thầy tốt muốn giúp học trò tiến bộ.

Do vậy, mới nói, để xét một lời nói thô ác có phải ác nghiệp hay không, cần xét đến hai yếu tố “động cơ” và “kết quả”.

Tuy thế, có lẽ chuyện tương tự như trên ngoài đời thực không nhiều, nếu không nói là rất hiếm gặp. Bởi hầu hết mọi người sẽ khó đạt được kết quả lí tưởng như người học trò kia – sau khi nhận một lời mắng chửi. Thay vào đó, “kết quả” thường là sự đổ vỡ quan hệ giữa hai bên.

Các lời dạy của nhà Phật thường hay nhắc nhở, trong ba nghiệp Thân, Khẩu, Ý, thì “Ý nghiệp” tuy vô hình nhưng lại là chủ, từ “không” mà “thành sự” đều do “ý” là điểm bắt đầu – chính là để nhấn mạnh vai trò của “động cơ” trong lời nói.

Do đó, lời nói hay lời mắng mỏ nhưng xuất phát từ tình yêu thương chân thật, thực sự quan tâm đến người đối diện, thì thường không bao giờ dẫn đến “kết quả” tệ hại cả. Và ngược lại.

Với những người vốn có tính cách bộc trực, muốn “nói thẳng nói thật” – tức là bản chất là có “tâm tốt”, nhưng để lời nói của mình không gieo nhân xấu, hãy luyện tập trước khi nói điều gì đó tự đặt 5 câu hỏi sau đây:

1. Nói có đúng lúc không?

2. Nói có đúng sự thật không?

3. Nói có tốt cho người nghe không?

4. Nói có đi cùng thái độ hòa nhã không?

5. Nói có xuất phát từ động cơ tốt không?

Đây cũng chính là 5 yếu tố của một “lời nói thiện lành” được Đức Phật thuyết trong kinh Lời Nói (Tăng chi 5.198).

Có lẽ những người vẫn cho rằng mình “nói thẳng nói thật” mà lại thường nhận lại sự “mất lòng” từ người khác trong cuộc sống, luôn thấy các mối quan hệ bị đổ vỡ sau lời mình nói, nên cân nhắc những điều trên.

Bởi nhiều khi, chúng ta mặc định mình “nói thẳng vì muốn tốt” nhưng không hề biết rằng chính thái độ không hòa nhã đã làm hỏng tất cả.

Trong kinh Tạp A Hàm, Phật khuyên người đệ tử cần phải suy nghĩ trước khi nói: “Nếu ta không thích người khác nói lời thô ác với mình, thì người khác cũng như thế. Vậy tại sao với người khác, ta lại mạ nhục họ?”

Việc thường xuyên đặt ra những câu hỏi nêu trên trước khi “nói thẳng nói thật” sẽ giúp chính người nói kiểm soát cơn giận, bởi luyện khẩu cũng chính là điều tâm.

lớn

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Designed by trungtamketoanhn.com DMCA.com Protection Status