Chuyển tới nội dung

Đúng lúc vén tấm khăn che đầu, rể quý đột ngột bỏ chạy: Lời của thầy phù thủy quả nhiên rất ứng nghiệm!

  • bởi

Sự việc xảy ra khiến ai cũng bất ngờ, khó hiểu. Chỉ có thầy phù thủy biết trước sự việc sẽ có ngã rẽ như vậy.

Từ câu chuyện mang tính chất tương truyền

Tương truyền dưới thời nhà Đường (Trung Quốc), tại huyện Hoằng Nông có một viên quan họ Lý, ông này có một cô con gái đã đến tuổi gả chồng, trước đó đã hứa hôn với một anh chàng có tên Lô Sinh.

Lô Sinh diện mạo khôi ngô tuấn tú, nhà họ Lý ai cũng nói đó là “một chàng rể tốt”.

Một hôm, gia đình họ Lý chọn ngày lành tháng tốt để kén rể. Khi đó, trong làng có một thầy phù thủy được người dân khen có thể đoán biết trước việc trong tương lai, rất ứng nghiệm. Vì có quan hệ thân thiết với nhà họ Lý nên người này cũng có mặt.

Phu nhân nhà họ Lý bình thường rất tin thầy phù thủy này nên mới hỏi: “Bà xem con rể nhà chúng tôi có lộc làm quan không?”

Người phụ nữ (thầy phù thủy) hỏi: “Chú rể có phải là anh chàng để râu kia không?”

“Đúng vậy.” – Lý phu nhân trả lời.

“Nếu là người đó thì không phải là con rể ông bà rồi. Con rể nhà ông bà là người có dáng dấp khác.”

“Con rể nhà chúng tôi có dáng dấp như thế nào?” – vợ viên quan họ Lý sốt sắng hỏi.

“Là một người có gương mặt trắng, trên mặt không có râu”, thầy phù thủy trả lời.

Bà Lý nghe vậy mà thất kinh: “Nếu nói như bà thì hôm nay, tiểu thư nhà chúng tôi không lấy được chồng phải không?”

Người phụ nữ trả lời một cách chắc chắn như đinh đóng cột: “Tại sao lại không được? Đêm nay nhất định sẽ được gả đi!”

Phu nhân của viên quan họ Lý cảm thấy khó hiểu: “Bà có nói linh tinh gì không vậy, đã là đêm nay lấy chồng, thì chàng rể không là Lô Sinh thì là ai?”

“Đến tôi cũng không biết là tại sao”, thầy phù thủy vừa nói xong, bên ngoài đã rộn ràng tiếng chiêng, tiếng nhạc. Lô Sinh đã đến giao lễ vật, chuẩn bị tiến vào lễ đường.

Đúng lúc đó, bà Lý kéo tay nữ phù thủy, nhòm qua khe cửa sau lễ đường, chỉ vào Lô Sinh, giọng mỉa mai:

“Bà xem đồ lễ đã được mang đến đầy đủ cả, xem ra đêm nay nhất định sẽ thành thân, tại sao bà lại nói đó không phải là rể của nhà tôi, thật buồn cười, buồn cười quá!” Người làm trong nhà thấy phu nhân chế giễu nữ phù thủy liền thêm lời: “Xem ra lần này bà đoán sai rồi”.

Người phụ nữ chỉ im lặng, không nói gì.

Mọi việc diễn ra bình thường cho đến khi tân lang – tân nương làm lễ động phòng.

Khi vén tấm khăn che đầu của tiểu thư nhà họ Lý lên, Lô Sinh không khỏi giật nảy mình, kêu lên một tiếng “a ” rồi đi thẳng ra ngoài. Người thân hỏi, anh ta cũng không mở miệng, cứ thế lao thẳng ra cửa, lên ngựa bỏ đi.

Có người cưỡi ngựa đuổi theo, hỏi đã có chuyện gì xảy ra song Lô Sinh không muốn trả lời, chỉ vẫy tay nói: “Không thành được, không thành được”. Không còn cách nào khác, người này quay trở lại nhà họ Lý báo lại tình hình của anh ta.

Viên quan họ Lý nghe xong, giận tím người, quát lớn: “Con gái ta dung nhan như hoa như ngọc, tại sao lại hành sự như vậy? Nhất định phải để tất cả mọi người biết rõ chuyện này!”

Nói rồi, ông ra lệnh cho mọi người vào phòng, gọi con gái ra bái kiến và chỉ vào con gái nói:

“Mọi người xem đi, đây chính là tiểu thư được hứa hôn với Lô Sinh. Dung mạo của con gái ta thế nào? Xấu hay đẹp? Hôm nay Lô Sinh vừa nhìn thấy đã bỏ đi, nếu không để mọi người gặp, mọi người sẽ cho rằng con ta là quái vật!”

Đám đông bắt đầu xì xào, nói Lô Sinh đúng là “vô phúc”, “vô duyên”… khi không biết nâng niu một cô gái trẻ xinh đẹp, tuyệt thế vô song như thế.

Vẫn chưa hết giận, viên quan họ Lý tiếp tục nói lớn: “Lô Sinh kia tối nay vô phúc, vậy trong số các quan khách, ai là người sẵn sàng lấy con gái của ta, tối nay có thể lập tức thành hôn. Lời nói của ta, tất cả mọi người sẽ làm chứng.”

Bất ngờ, một người từ đám đông tiến lên phía trước bình tĩnh nói: “Tiểu tử bất tài xin được làm con rể người.”

Đám đông nhận ra đó là anh chàng họ Trịnh, từng ghé chân chốn quan trường, mặt mày nhẵn nhụi, trắng trẻo, cằm không một sợi râu.

Đến lúc này, Lý phu nhân mới tin rằng lời nữ phù thủy nói lúc đầu là đúng. Và bà ta không dám chế giễu nữ phù thêm nữa.

Sau hôn lễ, chàng rể họ Trịnh gặp Lô Sinh. Vốn dĩ hai người có quen biết nhau từ trước, Trịnh mới hỏi Lô tối đó vì sao lại như vậy.

Lô Sinh đáp: “Tối đó tôi vén khăn trùm đầu, thấy đôi mắt cô ta đỏ hoe, to như hai bóng đèn, răng dài hàng tấc. Làm gì có người nào dị dạng như vậy, thật chẳng giống với tranh vẽ bên ngoài chút nào, người dũng cảm đến mấy cũng sợ vỡ mật, không đi ở lại đó làm gì?”

Trịnh cười nói: “Cô gái đó đã gả cho tôi rồi.”

“Cậu không sợ sao?”

“Mời cậu qua nhà tôi, tôi sẽ bảo vợ tôi ra gặp mặt”, Trịnh đáp.

Đến nơi, Lô Sinh thấy người phụ nữ trước mặt mình hoàn toàn khác biệt so với người đã gặp trong phòng cưới hôm đó.

Mặc dù có chút tiếc nuối song về sau, nghe lại lời dự báo của nữ phù thủy, Lô Sinh hiểu rằng nhân duyên là chuyện trời định, anh và con gái viên quan họ Lý không có duyên nên vợ nên chồng.

Bàn đến chữ duyên

Xưa nay, chúng ta vẫn từng nghe đến câu: “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng” để nói đến chữ duyên của con người. Có thể thấy, trong câu chuyện trên, điều này quả không sai.

Chàng Lô Sinh và con gái viên quan họ Lý vì không có duyên nên đến lúc động phòng cũng không thể trở thành vợ chồng của nhau. Ngược lại, vì có duyên mà chàng trai họ Trịnh bỗng nhiên trở thành con rể nhà họ Lý.

Trong kinh phật, Đức Phật có dạy rằng: Kiếp trước phải 500 lần ngoái đầu nhìn lại mới đổi được kiếp này một lần gặp thoáng qua. Những người có thể gặp gỡ nhau kiếp này chính là mối nhân duyên tu từ nhiều kiếp trước.

Duyên phận là điều gì đó rất kì lạ, chẳng ai có thể giải thích tỏ tường. Có thể chỉ là hữu duyên vô tình quen biết nhưng lại hiểu thấu nhau, nhưng cũng có thể hài hòa với nhau mà không thể gần nhau được, không cố ý theo đuổi thì có, bỏ tâm cố gắng lại chẳng thành.

Mọi người thường nói, duyên là do trời định, phận do nhân định. Quả là như vậy. Con người gặp được nhau, dù ít dù nhiều đều mang một ý nghĩa nhất định, là sự sắp sếp của chữ duyên.

Có duyên rồi, duyên dày hay mỏng lại phải phụ thuộc vào đôi bên, gìn giữ, phát triển mới nên phận.

Nhưng duyên phận không phải là thứ vĩnh cửu, ngay đến độ dài ngắn của duyên phận cũng chẳng ai nói trước được.

Bàn về nhân duyên, nhà Phật cho rằng, cái gì cũng chỉ có thời điểm và duyên phận cũng vậy. Bởi thế mà khi đã có duyên rồi, mỗi người cần phải biết nâng niu quý trọng. Đó là món quà trời ban, có khi chỉ trong một giây, một khắc, một đoạn mà thôi.

Nhân duyên của con người vốn đáng quý là thế, ngắn ngủi là thế nhưng khi có rồi, nhiều người lại không biết trân quý, mất đi rồi mới hối hận khôn nguôi.

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Operated by nvmac.org DMCA.com Protection Status