Chuyển tới nội dung

Nhàn cư vi bất thiện. Sống quá nhàn nhã, không có mục đích thật dễ mang họa vào thân

  • bởi

Ngày xưa có một nước nọ luôn gặp mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, dân chúng khỏe mạnh, gia súc béo tốt, lại không có giặc ngoại xâm, nhà nhà an hưởng thái bình, thật là một cảnh cực lạc ở trần gian. Một hôm quốc vương hỏi quần thần:

– Ta nghe nói có một thứ được gọi là tai họa, thứ ấy là gì thế?

Quần thần nghe hỏi cũng lắc đầu nói:

– Muôn tâu, chúng thần cũng không biết.

Nhà vua bèn ra lệnh cho sứ thần đi khắp nơi tìm mua “tai họa”. Có một vị thần thấy thế liền biến thành một ông già, trong tay dắt theo một con thú vào chợ bán. Con thú thân giống như thân lợn, nhưng ông già phải dùng dây sắt để làm dây dắt nó. Ông đi khắp chợ rao rằng:

– Ai mua con họa mẫu không? Ai mua không?

Sứ thần nghe rao, vội vàng đến hỏi:

– Cụ bán con họa mẫu này bao nhiêu tiền?

Ông lão đáp :

– Một ngàn vạn tiền.

Sứ thần lại nói:

– Nó ăn những gì?

Ông lão đáp:

– Một ngày một cân đinh sắt.

Sứ thần bèn mua con thú, dẫn về hoàng cung, trình lên vua. Nhà vua ra lệnh dân chúng mỗi ngày phải gom góp đủ số đinh sắt cho họa mẫu ăn. Ban đầu không có vấn đề gì, nhưng dần dần càng khó tìm đinh sắt, đâu đâu người ta cũng tìm mua đinh sắt để nộp cho vua. Ai không có đinh sắt nộp phải chịu tội, vì thế vấn nạn đinh sắt dẫn đến biết bao vấn nạn khác, cuộc sống của người dân bị khuấy động, xã hội hỗn loạn, sự bình an chấm dứt.

Các đại thần nhìn thấy dân tình dao động, bèn nói với quốc vương:

– Con hoạ mẫu này quả nhiên đã mang đến tai họa cho quốc gia, chứng ta nên giết nó để trừ họa cho dân .

Quốc vương cũng thấy nên làm vậy, bèn ra lệnh mang “họa mẫu” ra giết. Thế nhưng không làm cách nào giết được nó. Đâm không thủng, dìm không chết.

Các đại thần bèn dùng dây sắt trói nó lại, chất củi thật cao, đặt “họa mẫu” vào giữa, nổi lửa lên. Lửa cháy ngùn ngụt, dây trói sắt bị nóng chảy, toàn thân “họa mẫu” biến thành một khối lửa đỏ rực nhưng vẫn không chết. Nó vùng dậy chạy như điên, nó chạy vào hoàng cung, chạy ra chợ, chạy vào làng mạc… chạy đến đâu lửa cháy đến đó, nhà cửa, cây cối, ruộng vườn của dân chúng đều bị đốt thành tro. Tất cả đều vì “họa mẫu” mà ra!

Trích “Tạp Thí Dụ Kinh”

Lời bàn:

Tai họa con người có nguồn gốc từ tham dục. Câu chuyện có một ý nghĩa to lớn trong đời sống hiện thực, rằng một người có lòng tham dục quá lớn, có ý muốn hưởng thụ quá lớn thì sẽ không chú trọng đến vấn đề tu dưỡng đạo đức.

Hơn nữa, câu chuyện cũng đề cập đến một vấn đề: “nhàn cư vi bất thiện”, người sống quá nhàn nhã mà không có mục đích, lý tưởng xác đáng sẽ dễ sanh tâm phóng túng, làm những việc vô ích, có khi tự chuốc họa vào thân, gây tổn hại cho người như ông vua kia.

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Powered by toptenvietnam.com

DMCA.com Protection Status