Chuyển tới nội dung

Trong cuộc đời, ta phải biết có 2 điều không khấn cầu và 3 điều không thể chờ đợi.

  • bởi
Xuân qua trăm hoa rụng
Xuân tới trăm hoa cười
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu già đến rồi

Khi trưởng thành để thanh thản và dưỡng thành phúc báo cho mình, có lẽ bạn nên làm được “2 điều không cầu” và “3 điều không chờ đợi” này.

Trước tiên là 2 điều không cầu…
Không cầu quyền lợi và tiền bạc vốn không thuộc về mình

Kết quả hình ảnh cho không cầu

Dục vọng sẽ khiến người ta không bao giờ biết thỏa mãn. Người khác thấy họ đã có rất nhiều thứ (vợ đẹp, con khôn, xe hơi, nhà lầu) nhưng họ những cơ hồ còn chưa thỏa mãn. Dục vọng làm người ta không giữ được bình tĩnh, và đôi khi trở thành tha hóa.

Đã có địa vị xã hội nhất định, gia đình cũng khá giả đủ ăn nhưng khi nhìn xung quanh họ chợt thấy những người cùng trang lứa ai nấy đều hô mưa gọi gió, vinh quanh đầy mình. Họ bắt đầu không an phận, nóng lòng muốn làm giàu hơn nữa, bất chấp thủ đoạn dù là tham ô, nhận hối hộ hay là bán lận buôn gian, việc gì cũng đều dám làm.

Vì tiền tài, họ muốn mạo hiểm liều một phen mà không nghĩ đến ác báo đã liền kề trước mặt. Một ngày kia thân bại danh liệt, làm ăn phá sản, có thể phải ngồi tù chịu phạt, cửa nát nhà tan. Khi đó hối hận phỏng có ích gì nữa đây?

Người ta đến tuổi trung niên nên cảm thấy hạnh phúc với những gì mình đang có. Đó là phúc phận, là những gì ông Trời đã ban cho bản thân chiểu theo số kiếp. Chớ nên hành xử manh động, bồng bột như thuở còn đôi mươi. Hãy lấy gia đình làm trọng chứ không phải công việc làm ăn, lấy tình nghĩa làm trọng chứ không phải bạc tiền, vật chất.

Đối với những thứ tiền tài, quyền lợi vốn không thuộc về mình, tốt nhất bạn hãy tránh xa, coi chúng đi qua trước mắt. Hãy giữ một tâm hồn bình thản mọi lúc, mọi nơi.
Thay vì vất vả nghĩ kế đoạt lợi tranh quyền, hãy làm những điều khiến tâm hồn mình bình yên trở lại. Pha ấm trà ngon, khêu một ngọn đèn, để mình cô đơn bên trang sách, đối chiếu lại sự đời và trân quý cuộc sống này hơn.

Không cầu thứ tình cảm vốn không thuộc về mình

Kết quả hình ảnh cho phật hd

Đến tuổi trung niên, người ta đã trải qua rất nhiều thăng trầm về tình cảm. Hôn nhân có thể khiến họ mỏi mệt, quan hệ giữa vợ chồng có thể khiến họ chuốc lấy bực bội, phiền lòng. Ngoài xã hội đủ thứ cám dỗ đang giăng lưới bủa vây. Người ta dễ bị những thứ tình cảm bất chính chi phối, nhất là khi gặp được một người ý hợp tâm đầu, cho họ cảm giác khác hẳn với cuộc hôn nhân vốn tẻ nhạt thường ngày.

Con tim người ta lung lay muốn đổ, dục vọng ái tình cũng vì thế phát sinh. Như một tia lửa lóe lên giữa cánh rừng đã cháy khô nắng hạn, như mảnh đất hạn hán lâu ngày bất chợt hứng cơn mưa rào đầu hạ, ai mà chẳng liêu xiêu, ngây ngất trước sóng mắt, môi cười?

Nhưng càng là khi ấy, bạn càng phải tỉnh táo hơn cả. Ranh giới cuối cùng ước thúc bạn chính là đạo đức, nhân luân. Nếu bạn bước qua, thì chính là phá vỡ tiêu chuẩn, là làm việc bất thiện, là đặt bước chân đầu tiên sang phía phản diện.

Đừng tưởng nhớ những thứ tình cảm vốn không thuộc về mình, cũng chớ mong nghĩ về người không thuộc về mình. Tình là ảo mộng tuy đẹp nhưng sớm lụi phai, là ly rượu nồng nhưng chứa thuốc độc bên trong. Đặc biệt, ngoại tình lại chính là thứ bại hoại nhân luân, hủy hoại đạo đức, là chuyện khiến người trời đều giận. Hãy luôn tỉnh táo!

Và đây là 3 điều không chờ đợi…
Sức khỏe không thể chờ

Ở tuổi trung niên, sức khỏe bỗng trở thành một chuyện rất hệ trọng. Những thứ bệnh tật quật đổ người ta vào tuổi già đều sẽ nảy mầm từ lúc này, ngay khi người ta còn tưởng mình thật phi thường.

Ngày nay, khá nhiều người chỉ có thể sống đến 45, 50, 55 tuổi là đứt đoạn kiếp người. Họ phải chịu đủ thứ bệnh tật, dày vò, hoặc là hậu quả của thời trẻ tráng phóng túng, hoặc là nguyên nhân của việc không biết cách dưỡng sinh, sống không lành mạnh.

Người Việt có câu: “49 chưa qua, 53 đã tới“. Người ta cho rằng đây là hai độ tuổi phải gánh chịu vận hạn lớn nhất trong đời, thậm chí là vấn đề sinh tử. Vừa hay, nó cũng trùng với giai đoạn tuổi trung niên mà chúng ta đang nói tới. Ở tuổi này, nếu bình ổn vượt qua vận nạn thì rất có thể sẽ được trường thọ hưởng phúc.

Người đến tuổi trung niên, sức khỏe không thể chờ, nghĩa là không thể ngồi im, phó mặc cho bác sĩ. Thay vì quá phục thuộc vào thuốc men, bệnh viện, bạn hãy chú ý thêm tới việc điều dưỡng thân tâm, di dưỡng tính tình, rèn cho mình một tâm thái tốt đẹp.

Y học cổ đại giảng rằng, “thân” và “tâm” của người ta là một thể không thể tách rời. Tâm sáng thì thân mới khỏe, lòng thiện thì cơ thể mới không còn tật bệnh. Cái gốc của dưỡng sinh lại chính là dưỡng tâm vậy. Thuốc men chỉ có thể trì hoãn bệnh tật của bạn nhất thời. Giữ lấy một tâm thái vui vẻ, an hòa, bách bệnh đều tiêu tan. Chính vì thế, người xưa mới có câu: “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ“.

Hiếu thuận với cha mẹ không thể chờ

Kết quả hình ảnh cho hiếu thuận

Sang tuổi trung niên, cha mẹ chúng ta có lẽ đều đã già cả. Chỉ mong cha mẹ được sống vui vầy cùng con cháu, không tật bệnh là ta đã yên tâm một phần. Các cụ bôn ba, vất vả cả đời người, giờ đã đến lúc được nghỉ ngơi hưởng phúc.

Dù công việc có bận rộn, dẫu đường xá có xa xôi, bạn nhất định nên về thăm nhà nhiều nhất có thể. Bố mẹ đã già, chính là không thể chờ đợi lòng hiếu thuận của con cái mãi được. Trăm năm qua đi như ánh chớp, một sớm mai biết cha mẹ đã rời bỏ mình mà đi, bạn có ân hận chừng nào cũng chẳng thể bù đắp lại.

Công ơn cha me sâu hơn biển, tình thương của cha mẹ cao hơn trời. Đó là tình yêu thánh thiện, vô tư nhất, trường cửu nhất mà mỗi người chúng ta được nhận trong cuộc đời này. Sẽ không có một tình cảm nào tương tự như thế nữa dù trên đường đời bạn có được bạn thân, người thương, bạn đời…

Hãy hiếu thuận với cha mẹ, yêu thương chở che họ như mấy chục năm trước họ đã từng chở che ta. Đó chính là một loại mỹ đức, một loại hạnh phúc, cũng là một loại hồi báo, tuần hoàn của tình yêu thương. Chẳng phải đó là việc rất đáng nên làm hay sao?

Nuôi dạy con cái không thể chờ

Kết quả hình ảnh cho nuôi dạy con cái

Vì kiếm tiền mà nhiều người lơ là việc giáo dục con cái, thực là cái được chẳng bõ cho cái mất. Cha mẹ chính là người thầy khóa đầu tiên của con cái, cũng là người quan trọng nhất. Giáo dục con cái là chuyện tuyệt đối không thể lơ là.

Đến khi bạn kiếm được rất nhiều tiền rồi thì con cái cũng đã lớn khôn. Khi bạn trung tuổi, con cái đã trở thành những cô cậu thanh niên hừng hực sức sống mà cũng bồng bột, nông nổi lắm thay. Họ có sở trường mà cũng có sở đoản, có ước mơ mà cũng có sự viển vông, thói hư tật xấu.

Dạy con từ thuở còn thơ, đến lúc này cây tre đã thẳng muốn uốn cũng khó. Nhưng bạn có thể làm một tấm gương, một người bạn chân thành, thì thầm tâm sự, khuyên nhủ con điều hay lẽ phải, làm người tốt, tránh xa cái ác. Con cái cũng phản ánh một phần sự tu dưỡng của cha mẹ. Hãy là một nhà thông thái cho chính gia đình mình.
***

Mãn Giác thiền sư (1052 – 1096), thời nhà Lý, trong một đêm thanh tĩnh, bất giác làm ra một bài kệ khiến hậu thế nghìn năm sau còn suy ngẫm. Bài kệ có tên “Cáo tật thị chúng” (Có bệnh bảo mọi người). Sư làm bài kệ này không lâu trước khi viên tịch ở tuổi 45, chính là độ tuổi trung niên mà ta đang nói tới:

“Xuân qua trăm hoa rụng
Xuân tới trăm hoa cười
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu già đến rồi
Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một nhành mai”

(Bản dịch của Ngô Tất Tố)

Đường đời dù ngắn dù dài, không kể có bao điều tiếc nuối, bao điều xót xa, may mắn hay đen đủi, cay đắng hay ngọt bùi… tất cả đều sẽ lắng đọng trong chiếc đồng hồ cát không ngừng chảy trôi kia, ấy chính là thời gian, năm tháng.

Việc cần làm hãy làm tận lực, thành bại đã có ở mệnh Trời. Những điều phải buông bỏ xin hãy buông hạ, sớm chừng nào bạn càng thanh thản chừng ấy.

Cuộc đời này ta chọn lấy yêu thương, làm người ta chọn chân thành, xử sự ta chọn thiện lương. Cứ ung dung, lặng lẽ, cứ mạnh mẽ, can trường, người chiến thắng chính là biết đem tâm thiện mà đối đãi với vạn vật.

Tuổi trung niên nói trẻ thì thực không còn trẻ trung nhưng nhất định cũng chẳng phải là xế chiều tịch mịch. Hãy nuôi dưỡng lòng thiện lương và một trái tim từ bi, bạn sẽ thấy được “một nhành mai” khai nở trong đời mình giữa khi tuổi xuân tưởng chừng đã tàn phai cả.

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Powered by haihoaphat.com

DMCA.com Protection Status