Chuyển tới nội dung

Tục lệ ngày Tết cổ truyền của đồng bào Khmer

  • bởi

Đồng bào Khmer Nam bộ là dân tộc theo đạo Phật, coi ngôi chùa như một trung tâm sinh hoạt văn hóa của cộng đồng, do vậy, ngoài một số nghi lễ được tổ chức tại nhà, phần lớn bà con đều tập trung tại chùa để thực hiện các nghi lễ và cùng nhau sinh hoạt vui chơi giải trí tại đó. Vì thế, trước thời điểm của những ngày Tết khoảng từ một tháng đến một tuần, tại hầu hết các ngôi chùa Khmer, cũng như tại từng gia đình, người Khmer tiến hành dọn dẹp nhà cửa thật sạch sẽ, ngăn nắp, đôi khi còn phải tu bổ lại một số công trình kiến trúc trong chùa cho thật khang trang, nhất là các ngôi tháp thờ hài cốt của người thân, họ hàng để làm sao đón mừng năm mới thật có ý nghĩa… Đối với từng gia đình trong phum sóc, ngoài việc dọn dẹp nhà cửa, bà con còn chuẩn bị các loại bánh trái như: Bánh tét, bánh ít, bánh gừng, hoa quả, nhang đèn để đem vào chùa dâng cúng Chư Phật, Chư Tăng, thánh thần…

Nếu người Việt, người Hoa và một số dân tộc khác ở châu Á đón Tết năm mới vào ngày đầu tháng giêng âm lịch, thì người Khmer Nam bộ lại tổ chức đón Tết vào tháng “Chét” (tháng thứ 5 theo lịch Khmer), vào khoảng trung tuần tháng 4 dương lịch (tương ứng khoảng từ ngày 12 đến 16-4) và diễn ra trong thời gian 3 ngày đêm. Đây là thời điểm thời tiết rất khô ráo, mùa màng đã gặt hái xong, là lúc các thành viên trong cộng đồng được rảnh rang, thoải mái nhất.

Theo phong tục, người Khmer thường tổ chức “ăn Tết” trong 3 ngày, song có những năm nhuận thì bà con tổ chức 4 ngày. Ngày đầu tiên của năm mới gọi là “Th’ngay-maha-shang-kran” hoặc “Chôl-shang-kran-thmây”; ngày thứ hai gọi là ngày “Ví-ré Won-both” (năm nhuận thì Won-both 2 ngày); còn ngày cuối gọi là ngày “Ví-ré Lơng-săk”. Đối với người Khmer, việc đón giao thừa có phần khác đôi chút so với người Kinh, người Hoa hoặc một số dân tộc khác chịu sự ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc, văn hóa phương Tây.

Giờ giao thừa của Tết người Khmer không cố định vào lúc 0 giờ tiếp giáp giữa năm cũ và năm mới, mà luôn thay đổi hằng năm tùy vào quyển “Đại lịch” đã được các nhà thiên văn biên soạn. Tức là thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới sẽ được ấn định vào những thời điểm khác nhau theo từng năm. Có năm được ấn định vào lúc 13 giờ của ngày đầu tiên, có năm thì rơi vào ban đêm, có năm vào khoảng 9 hoặc 10 giờ của ngày thứ hai… Có thể nói, đây cũng là nét riêng, phản ánh rất rõ về sắc thái văn hóa Khmer.

Theo truyền thống, gần đến thời khắc giao thừa, mọi nhà, kể cả tại các chùa sẽ bày các thứ lễ vật hoa quả, nhang đèn đặt trên một chiếc bàn ở ngay trước sân nhà để làm lễ tiễn Tevôđa cũ về trời, rước Tevôđa mới giáng trần. Người Khmer tin rằng, Tevôđa chính là vị Chư Thiên ngự ở tầng trời, được thần Prés-anh (Ngọc Hoàng) sai xuống trần gian để chăm lo cho dân chúng và muôn loài trong một năm, hết năm lại đưa các vị khác xuống thay thế.

Ba ngày lễ chính thức của Tết Chôl Chnăm Thmây được diễn ra như sau: Ngày thứ nhất, Chôl Sangkran Thmây (ngày đầu năm mới): Chọn giờ tốt nhất trong ngày, có thể là 7 giờ sáng hoặc 5 giờ chiều, cũng có khi là 12 giờ đêm (tùy theo năm), tất cả mọi người tắm gội sạch sẽ, mặc quần áo đẹp, trang trọng và lịch sự nhất, mang theo lễ vật nhang đèn vào chùa làm lễ rước Đại lịch “Maha Sangkran”, đồng thời diễu hành ba vòng xung quanh chính điện để đón chào Têvađa. Dưới sự hướng dẫn nghi lễ của một vị Achar được tôn kính nhất trong chùa, tất cả cùng nhau cầu nguyện, mong năm mới Têvađa về để phù hộ độ trì cho mọi người luôn được ấm no, hạnh phúc. Sau đó là lễ Phật. Tối đến, mọi người tham gia các trò chơi dân gian cùng các vũ điệu như múa Dù kê, Rôbăm, Lâm thôn… tham gia rất vui tươi và náo nhiệt.

Ngày thứ hai, Wonbơf (năm nhuận tổ chức 2 ngày): Mọi người lên chùa làm lễ dâng cơm sáng và trưa cho các vị sư. Theo phong tục của người Khmer, vào các ngày lễ, Tết, mọi người bày tỏ lòng thành kính tín ngưỡng bằng cách mang cơm, thức ăn và các loại bánh trái đến cho các sư sãi. Đáp lại, các nhà sư làm lễ tạ ơn những người đã làm ra hạt gạo, trồng trọt, chăn nuôi, tạo cho cuộc sống được ấm no, đầy đủ. Sau khi làm lễ đưa thức ăn đến cho linh hồn những người đã khuất, các nhà sư làm lễ chúc phúc cho những người đã có lòng thành mang lễ vât đến chùa cúng. Vào buổi chiều, người ta tổ chức lễ đắp núi cát để cầu phúc duyên và tránh khỏi những kiếp nạn.

Ngày thứ ba, Lơm săk (còn gọi là ngày lễ tắm Phật), các phật tử Khmer mang thức ăn và hoa quả đến chùa từ sáng tinh mơ để dâng cơm cho các vị sư. Sau khi thọ thực xong, các nghi lễ tắm Phật chính thức bắt đầu. Trước tiên, các nhà sư dùng nước tinh khiết có ướp hương hoa thơm ngát, dùng cành hoa để vẩy những giọt nước hoa lên tượng Phật. Trong làn khói hương nghi ngút, người Khmer thành kính khấn nguyện cầu mong Phật phù hộ cho dân làng được dồi dào sức khỏe, ruộng rẫy tốt tươi và trúng mùa. Họ cũng cầu Chư Thiên hộ trì cho phum, sóc an lành, mọi người tai qua nạn khỏi và đạt được những điều ước nguyện.

Sau lễ tắm Phật, người Khmer còn làm lễ tắm cho các nhà sư cao niên trong chùa. Kế đến là lễ Kha ma tôs, tương tự như lễ sám hối của người Việt. Sau đó, mọi người theo các vị sư đến các tháp đựng hài cốt và các nghĩa trang để làm lễ Bâng Skâu (cầu siêu). Dưới sự hướng dẫn của vị Achar, mọi người thành tâm cầu nguyện cho vong linh những người thân của mình được siêu thoát.

Cuối cùng, sau nghi lễ tắm Phật tại nhà, tất cả con cháu trong gia đình trải chiếu hoa, mời ông bà, cha mẹ ngồi để nhận lời xin tha thứ những thiếu sót hay lỗi lầm mà con cháu đã vấp phải trong suốt năm qua, cũng như nhận ở họ lời hứa thành tâm sửa chữa. Sau khi đọc kinh cầu nguyện, mọi người sẽ ước mong năm mới cả nhà luôn gặp được nhiều điều may mắn, vui vẻ, bình an và hạnh phúc. Sau đó, con cháu sẽ dùng nước tắm cho ông bà, cha mẹ để tỏ lòng biết ơn công ơn sinh thành dưỡng dục.

1.5/5 - (2 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Powered by hoclamketoan.com

DMCA.com Protection Status