Chuyển tới nội dung

Cảnh báo của Giám đốc BV K trung ương: Khi có dấu hiệu sau, 80% là đã mắc ung thư vú

  • bởi

PGS Trần Văn Thuấn – Giám đốc Bệnh viện K trung ương khuyến cáo 7 dấu hiệu của ung thư vú, trong đó, nếu thấy có hiện tượng chảy dịch máu thì 80% khả năng là đã mắc ung thư.

Căn bệnh nguy hiểm đang gia tăng nhanh chóng

Theo PGS Thuấn, ung thư vú là căn bệnh ung thư phổ biến ở phụ nữ Việt Nam và hầu hết các nước trên thế giới. Ước tính mỗi năm trên toàn cầu có khoảng 14,1 triệu ca mới mắc ung thư, trong đó riêng bệnh ung thư vú chiếm tới 1,2 triệu ca.

Ở nước ta, mỗi năm trên toàn quốc có khoảng 126.000 ca mới mắc và 94.000 trường hợp tử vong do ung thư, thì riêng ung thư vú chiếm khoảng 11.000 ca mới mắc và trên 5.000 trường hợp tử vong.

PGS Thuấn cho biết, xu hướng mắc bệnh ung thư vú ngày một gia tăng, ví dụ năm 2000, thống kê khi đó 100.000 phụ nữ mới có khoảng 18 người mới mắc thì đến năm 2010 con số này đã lên lên tới 30 người, tức là đã tăng lên gần gấp đôi sau 10 năm. Đặc biệt bệnh ung thư vú ở nước ta ghi nhận ngày càng trẻ hoá.

PGS Thuấn tâm sự, tại Bệnh viện K trung ương đã điều trị cho không ít những cô gái chỉ ở tuổi 20, 21 đã bị ung thư vú. Cái khó nhất là chưa thể xác định được nguyên nhân trẻ hoá độ tuổi mắc bệnh.

Ước tính đến năm 2020, chỉ tính riêng ung thư vú thì số trường hợp mới mắc lên khoảng 23.000 ca.

PGS Thuấn cho biết, trong thời gian tới Viện nghiên cứu và phòng chống ung thư sẽ phối hợp với nhiều đơn vị khác để có thể nghiên cứu tìm được các nguyên nhân vì sao dẫn đến hiện tượng trẻ hoá ung thư vú.

Bệnh nhân ung thư vú tại Việt Nam đa số phát hiện muộn, bởi vì người dân không có thói quen tự kiểm tra vú và đi khám sàng lọc ung thư vú.

Hãy nhớ dấu hiệu

Theo PGS Thuấn để phát hiện sớm căn bệnh này, các chị em nên tự khám vú sau chu kỳ kinh nguyệt khoảng 5 ngày.

Đặc biệt là từ 40 tuổi trở lên nên đi khám sức khỏe định kỳ và nên quan tâm đến khám tầm soát phát hiện ung thư vú để nếu có mắc bệnh thì có thể điều trị kịp thời, đúng phương pháp.

Các dấu hiệu của ung thư vú:

  • 1 bên vú dày chắc hơn bên kia
  • Tụt núm vú
  • Da vùng vú bị lồi lõm, co kéo bất thường
  • Thay đổi màu sắc trên da của vú
  • Chảy dịch 1 bên vú (khi chảy dịch máu thì khả năng 80% mắc bệnh ung thư)
  • Đau hoặc đỏ vú
  • Hạch nách hoặc hố thượng đòn

Tùy theo từng trường hợp cụ thể, các bác sĩ chỉ định chụp nhũ ảnh cho phép phát hiện ung thư vú từ lúc khối u chưa xuất hiện trên ngực người phụ nữ – tức là phát hiện ở giai đoạn tiền lâm sàng và đương nhiên những trường hợp như vậy thì chúng ta hoàn toàn có thể chữa khỏi được.

Ngoài ra, với những trường hợp chị em có tiền sử gia đình mắc ung thư vú như mẹ, chị em gái trong nhà và khi xét nghiệm gen ung thư vú (cụ thể gen BRCA1, BRCA2) dương tính thì nên đi khám định kỳ sớm hơn và thậm chí chụp cộng hưởng từ thay vì chụp nhũ ảnh để phát hiện ung thư vú.

Cách tự khám vú với chị em phụ nữ trên 20 tuổi

Đứng hoặc ngồi trước gương:

Hai tay xuôi, quan sát các thay đổi ở vú như u cục, dầy lên, lõm da hoặc thay đổi màu sắc da.

Đưa tay ra sau gáy, sau đó quan sát lại.

Chống hai tay lên hông, làm cử động cơ ngực lên xuống bằng động tác nâng vai lên hay hạ vai xuống. Động tác này làm cho các thay đổi nếu có sẽ rõ hơn.

Quan sát ở cả tư thế chính diện và nghiêng.

Hình ảnh tự khám vú

Sờ nắn khi đứng hoặc ngồi:

Đầu tiên, hãy đưa tay phải ra sau gáy. Dùng tay trái sờ nắn vú phải, 4 ngón tay (trỏ, giữa, áp út, út) đặt sát vào nhau thành một mặt phẳng, ép đều lên các vùng khác nhau của tuyến vú vào thành ngực theo hướng vòng xoáy ốc từ đầu vú trở ra ngoài.

Kiểm tra từng vùng của vú và cả nách. Nặn nhẹ đầu vú xem có dịch chảy ra không. Sau đó tiến hành tương tự với vú bên trái.

Sờ nắn khi nằm:

Hãy nằm ngửa một cách thoải mái, đặt một gối mỏng ở dưới lưng bên trái và dùng tay kiểm tra như thao tác đứng trước gương ở trên. Lần lượt đổi bên thực hiện khám bên vú còn lại.

PGS Thuấn cho biết, để phòng bệnh ung thư vú, chị em nên có chế độ ăn hợp lý, tăng cường hoa quả và rau xanh, hạn chế tối đa mỡ động vật, kết hợp với tập luyện tránh thừa cân, béo phì.

Hạn chế việc dùng thuốc nội tiết thay thế khi mà chuẩn bị bước sang tuổi mãn kinh, bởi lẽ nếu dùng lâu dài – đặc biệt là các trường hợp dùng quá 10 năm thì có nguy cơ mắc ung thư vú cao gấp 4-6 lần so với phụ nữ không có tiền sử như vậy.

4/5 - (2 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Powered by yeudalat.com

DMCA.com Protection Status