Chuyển tới nội dung

Đời người nhiều khi thua bởi “tranh biện” thắng bởi “im lặng”

  • bởi

Trong cuộc sống, mọi người thường cho rằng bất kể gặp chuyện gì thì đều phải cố gắng nói rõ ràng minh bạch để người khác không hiểu lầm. Nhưng kỳ thực, trong cuộc đời này có rất nhiều khi tranh biện, cãi lý không bằng im lặng bao dung.

Hoằng Nhất Pháp sư (1880 – 1942) tên thật là Lý Quảng Hầu, hiệu là Thúc Đồng. Trước khi xuất gia, ông là một nhạc gia nổi tiếng, đồng thời là một người rất giỏi về thơ văn, từ phú, là một người giỏi về thư pháp, còn là chuyên gia giáo dục trong lĩnh vực mỹ thuật tạo hình.

Qua những lần tiếp xúc với cao tăng Tổ Ấn Quang, ông vô cùng ngưỡng mộ phong thái và đức hạnh của vị cao tăng này. Vì thế, năm 1918, Lý Thúc Đồng đã quyết định vứt bỏ hết phù hoa, danh lợi nơi thế tục, xuất gia tu luyện tại chùa Linh Ẩn. Ông được ban pháp danh Diễn Âm, hiệu là Hoằng Nhất.

Có một câu chuyện kể về ông như thế này: Năm 1936, Hoằng Nhất pháp sư từ chùa Cổ Lãng chuyển đến chùa Nam Phổ Đà ở Hạ Môn để làm sư trụ trì. Lúc ấy, rất nhiều người đều nói Hoằng Nhất Pháp sư là vì ham muốn cuộc sống giàu có ở Nam Phổ Đà mà chuyển đến đây sinh sống tu hành. Điều này khiến cho các đệ tử của Hoằng Nhất Pháp sư vô cùng tức giận. Họ liền viết một bài báo về cuộc đời của Hoằng Nhất Pháp sư để tranh biện lại lời của những người bịa đặt và cho đăng báo.

Sau khi báo đã được xuất bản, Hoằng Nhất Pháp sư mới biết được việc làm ấy của các đệ tử của ông. Ông rất giận giữ, gọi các đệ tử đến phòng và cau mày nói: “Việc làm của các con tuy rằng là xuất từ ý tốt, nhưng thực ra lại là làm hại ta mà thôi. Xem ra, sau này ta phải sống thận trọng hơn.”

Các đệ tử của ông không đồng ý, nói: “Sư Phụ! Là những người đó bịa đặt, phỉ báng ngài nên chúng con mới quyết định lên tiếng thanh minh vì ngài!”

Hoằng Nhất pháp sư lắc đầu, trầm ngâm, nói: “Các con phải nhớ kỹ, nếu sau này các con cũng bị người khác phỉ báng, nhất định không được đi cãi lại, bởi vì càng cãi lại sẽ càng có hại. Nếu không tranh biện, cãi lại thì người phỉ báng sẽ dừng lại và không có hậu họa gì xảy ra. Nhưng một khi tranh biện cãi lại thì lời phỉ báng sẽ là vô cùng vô tận, không dừng lại. Như vậy thì các con làm sao còn tâm trí, thời gian để làm việc nữa? Cho nên, chúng ta chỉ nên để tâm làm đến nơi đến chốn những việc tốt đẹp nhất, lương thiện nhất.

Nếu chúng ta làm sai, thì cho dù có bao nhiêu người khen ngợi chúng ta cũng đều là vô ích. Nhưng nếu chúng ta làm đúng, thì cho dù có bao nhiêu người nói xấu chúng ta thì chúng ta cũng không bị hao tổn gì. Chúng ta trong đối nhân xử thế, làm việc, nhất định không nên tính toán hay để tâm nhiều đến những lời gièm pha phỉ báng của người khác.”

số mệnh
(Hình minh họa: Qua kknews)

Quả nhiên, không ngoài đạo lý mà Hoằng Nhất pháp sư nói, bài báo sau khi xuất bản ra không lâu, mọi người chê trách, phỉ báng Hoằng Nhất pháp sư càng nhiều hơn. Nhưng các đệ tử của ông một mực nghe theo lời dạy bảo của ông, không một lời tranh biện cãi lại.

Thời gian trôi qua từng ngày từng ngày, hết thảy những lời chê trách và phỉ báng ấy cũng tự nhiên tan thành mây khói, biến mất và không còn ai nhắc lại lần nào nữa.

Quả thực, có rất nhiều sự việc xảy ra, trong một tình huống đặc định là không thể nói rõ ràng ngay lúc ấy được. Đặc biệt là những việc xảy ra trước những kẻ tiểu nhân không có lý tính, không có văn hóa và giáo dưỡng, miệng đầy những lời hung ác. Nếu nhất định muốn thanh minh, giải thích rõ ràng thì chỉ có thể là điều vọng tưởng mà thôi.

Trong cuộc sống, nếu như gặp một người không có giáo dưỡng mà lại thích tranh biện thì phải làm sao để hóa giải? Chỉ có “nhẫn” mới là cách tốt nhất để hóa giải. Bậc trí giả có thể “nhẫn, lui” mà chuyển mê thành ngộ, chuyển khổ thành vui.

Thời cổ, người quân tử chỉ sợ vô đạo chứ không sợ nghèo khó, tranh hơn nhau thắng thua. Người ngỗ ngược trong thế gian tranh lý, trái lương tâm cưỡng cầu thì phúc tất sẽ chuyển thành họa, biến bình an thành phiền phức, biến vui thành khổ.

(ttvn)

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Managed by alicepetmart.com DMCA.com Protection Status