Chuyển tới nội dung

Hộ niệm là gì, hộ niệm như thế nào cho đúng cách ?

  • bởi

Hai chữ hộ niệm có nghĩa là giúp cho người sắp chết có được chánh niệm. Chữ niệm nầy, có nghĩa là chánh niệm. Nói cách khác là mình giúp (hộ) cho họ nhớ (niệm) Phật, tức đồng với tâm niệm Phật, vì tâm niệm Phật là chánh nhân thành Phật.

Hỏi: Con nghe nói hộ niệm vãng sanh, nhứt là cho người hấp hối sắp chết, nhưng con không hiểu phải hộ niệm như thế nào mới đúng cách? và phải làm sao cho người chết được lợi lạc vãng sanh? Kính xin Thầy hoan hỷ chỉ dạy cho chúng con được hiểu rõ.

Đáp: Đây là một vấn đề rất hệ trọng đối với những người tu theo pháp môn Tịnh độ, niệm Phật cầu vãng sanh. Những người mà tịnh nghiệp của họ đã thuần thục, hiện đời họ đã niệm Phật chứng được niệm Phật Tam Muội, tức được nhất tâm bất loạn, Thánh cảnh hiện tiền rồi, thì việc hộ niệm không cần thiết nữa. Vì họ đã vãng sanh ngay trong hiện đời rồi. Thật ra, trong thời mạt pháp nầy, đối với hạng người nầy thật không phải dễ có. Đó phải là bậc thượng căn thượng trí mới có được.

Ngoài ra, nếu chưa được như thế, thì giờ phút sắp lâm chung, đối với việc hộ niệm hay trợ niệm là điều tối thiết yếu, thiết nghĩ, chúng ta cũng cần nên tìm hiểu thật kỹ về vấn đề nầy.

Trong khuôn khổ giới hạn của trang giấy phạm vi vấn đáp, chúng tôi không thể nào trình bày cho tận tường chi tiết hết được. Ở đây, chúng tôi chỉ xin được trình bày một cách khái yếu vấn đề mà thôi.

Đời người, khi sắp mất, hay cuối nẻo đường trần có 3 lối rẽ để đi. Một là tiến thẳng lên Thánh đạo, vãng sanh Cực Lạc tức thời, lối đi nầy chỉ dành cho những người cực thiện. Hai là lối đi vào thiện đạo và ba là lối đi vào ác đạo. Lối đi vào thiện đạo dù có được tốt đẹp ít khổ, nhưng vẫn còn quanh quẩn luân chuyển vào nhơn đạo hoặc thiên đạo. Thứ ba là lối đi vào ác đạo, đây là con đường trầm luân thọ khổ muôn kiếp, mà không một ai muốn bước chân vào.

Tuy không muốn, nhưng nghiệp ác hiện đời đã gây tạo, thì phải tránh như thế nào đây? Cho nên đối với hai hạng người sau nầy, thì việc hộ niệm trong giờ phút sắp lâm chung thật vô cùng quan yếu. Nhưng phải hộ niệm như thế nào để cho người sắp lâm chung mới được lợi lạc vãng sanh? Đó là điều mà người đóng vai trò hộ niệm giúp cho những người sắp chết, thiết nghĩ, cũng cần nên  biết qua.

Hai chữ hộ niệm có nghĩa là giúp cho người sắp chết có được chánh niệm. Chữ niệm nầy, có nghĩa là chánh niệm. Nói cách khác là mình giúp (hộ) cho họ nhớ (niệm) Phật, tức đồng với tâm niệm Phật, vì tâm niệm Phật là chánh nhân thành Phật. Vì muốn nhắc nhở người bệnh luôn nhớ đến Phật, mà không nhớ đến duyên trần, vì nhớ đến duyên trần là mất chánh niệm hay tịnh niệm, thì rất trở ngại cho việc vãng sanh.

Do đó, mà người hộ niệm là chiếc phao nổi để người bệnh sắp chết nương vào.Vì sao? Vì lúc nầy, người bệnh tứ chi đau nhức rã rời, nếu là người bị mang chứng bệnh nan y, như ung thư chẳng hạn, thì sự hành hạ xác thân, bởi cơn đau nhức hoành hành thật là khó tả. Do đó, tâm thần của họ dễ bị tán loạn, dù cho bình thường, họ có công phu niệm Phật, nhưng vì chưa đạt đến chỗ thuần thục, nên dễ bị tán tâm. Bởi thế, nên họ rất cần người khác hộ niệm. Lúc nầy, người bệnh hoàn toàn mất hết tự chủ, tinh thần rối loạn, nghĩ nhớ lung tung, thật khó tập trung vào câu hiệu Phật. Nên người hộ niệm phải giúp cho họ tập trung tinh thần về với chánh niệm bằng cách chí thành tha thiết niệm Phật.

Điều ta nên nhớ, người bệnh vừa dứt hơi thở, nhưng chưa thật chết hẳn, thần thức chưa hoàn toàn rời khỏi thể xác, ít nhứt là 2 tiếng đồng hồ, nên giờ phút nầy, vẫn còn rất cần thiết cho việc hộ niệm, niệm Phật.

Người bệnh được vãng sanh hay không, ngoài phần chánh nhân tu niệm bình nhật của họ ra, phần lớn là nhờ vào giờ phút hộ niệm nầy. Do đó, những người thân quyến hay con cháu trong gia đình, là những nhân tố chánh giúp cho người thân của mình không bị đọa lạc vào cảnh khổ. Nếu giờ phút quan trọng nầy, mà thân nhân hay bạn bè, không biết cách hộ niệm, chẳng những không niệm Phật giúp cho người thân mình có thêm chánh niệm, trái lại, còn gây thêm cho họ nhiều rối loạn, lo âu, buồn bực v.v… thì thật là tai hại nguy hiểm vô cùng. Cho nên, nếu mọi người thật sự thương thân nhân của mình, thì chỉ nên một lòng chắp tay tha thiết mà thành tâm niệm Phật.

Ngoài ra, không nên có thái độ hay lời nói gây xúc phạm đến người bệnh sắp lâm chung. Vì lúc nầy hơn bao giờ hết, người bệnh dễ hay sanh bực tức giận hờn.

Cách hay nhất trong giờ phút nầy, nên cần có ít nhất là một người biết cách trợ niệm, để giúp đỡ  chỉ bảo mọi việc cho thân nhân và bạn bè. Người nầy rất là cần thiết. Vì thân nhân của người sắp chết, ai nấy đều tỏ ra rất bối rối lo buồn, nên không còn đủ bình tĩnh để lo trợ niệm giúp đỡ cho bệnh nhơn.

Thế nên, theo kinh nghiệm của chúng tôi, thì phải có người thông hiểu mọi việc hộ niệm túc trực bên cạnh bệnh nhơn, vừa nhắc nhở bệnh nhơn niệm Phật, vừa khuyên nhủ thức nhắc bằng những lời pháp ngữ cảnh tỉnh, để bệnh nhơn tăng thêm đạo lực tín tâm và dễ được định tâm niệm Phật hơn. Bởi vậy, những người hộ niệm nầy, phải được thay phiên nhau niệm Phật liên tục, tùy hoàn cảnh mà khéo léo dùng chước phương tiện để giúp cho bệnh nhơn và trong thân quyến.  Điều nầy, thật rất là cần thiết quan trọng. Người hộ niệm phải có tấm lòng bi cảm và hòa ái nhẫn nại đối với bệnh nhơn. Đó là thể hiện lòng từ bi vị tha nhân ái cao cả của Bồ tát Quán Thế Âm.

Tóm lại, muốn cho việc hộ niệm vãng sanh đạt được kết quả cao, theo thiển nghĩ của chúng tôi, cần phải hội đủ những điều kiện cần thiết để thực hiện qua 3 yếu tố quan trọng như sau:

I. Người hộ niệm.

Đối với người hộ niệm đóng một vai trò chủ chốt rất quan trọng trong việc hộ niệm, nên cần phải thông hiểu về việc hộ niệm nầy. Sau đây là những điều mà người hộ niệm cần biết:

Nên khuyên bảo thân quyến và sắp xếp mọi việc cần thiết trong lúc hộ niệm cho người bệnh hấp hối sắp lâm chung. Tối kỵ nhứt là gây xáo trộn khóc than trong giờ phút nầy. Những ai không dằn lòng được xúc động, thì tốt hơn hết là nên mời họ bước ra ngoài, đừng để bệnh nhơn nghe tiếng khóc than.

Thái độ và cung cách, nhứt là lời nói đối với người bệnh phải hiền hòa dịu ngọt, nên khuyến nhắc người bệnh nhớ niệm Phật và cần gợi lại những công hạnh mà người bệnh đã thực hiện.

Ngoài việc niệm Phật và khuyến nhắc bệnh nhơn ra, tuyệt đối không được nói lời gì khác, mà gây cho bệnh nhơn không vui dễ mất tín tâm và tán loạn.

Tùy trường hợp, hoàn cảnh nơi bệnh nhơn nằm, mà linh động niệm Phật to tiếng hoặc nhỏ tiếng, tốt hơn hết là chỉ niệm Phật cho bệnh nhơn vừa đủ nghe, không nhỏ quá và cũng không nên lớn tiếng quá. Theo kinh nghiệm cho biết, lúc nầy, càng niệm lớn tiếng, bệnh nhơn càng không nghe rõ. Tốt hơn hết, là nên niệm vừa đủ cho bệnh nhơn nghe thôi. Và khi niệm, phải niệm đủ 6 chữ : Nam Mô A Di Đà Phật. Phải niệm chậm rãi và từng chữ cho thật rõ ràng.

Phải thay phiên nhau niệm Phật liên tục không cho gián đoạn, cần khuyến khích thân nhân cùng thay phiên nhau niệm Phật. Trong phòng bệnh, ngoài tiếng niệm Phật ra, tuyệt đối phải giữ yên lặng, không được nói chuyện ồn ào làm loạn tâm bệnh nhơn vô ích.
Khi người bệnh đã thật sự tắt thở, cứ để như vậy mà chí thành niệm Phật liên tục, không nên sửa làm động đậy bệnh nhơn, ít nhứt là 2 tiếng đồng hồ. Điều nầy rất quan trọng, chúng ta cần phải lưu ý. Vì khi bệnh nhơn mới tắt thở, thần thức chưa rời khỏi xác thân. Nên rất cẩn trọng quan tâm về vấn đề nầy. Còn nhiều chi tiết khác, nhưng ở đây, chúng tôi chỉ xin nêu ra 6 điều quan trọng mà người hộ niệm cần ghi nhớ trong khi hộ niệm mà thôi.

II. Bệnh nhân.

Người bệnh là yếu nhân chính trong việc quyết định cuộc đời mình. Đây là giờ phút quan trọng để mình quyết định cho sự chọn lựa. Nếu là một liên hữu đã phát nguyện niệm Phật cầu vãng sanh, thì trong lúc bệnh nặng, nên buông bỏ tất cả duyên trần, không bận tâm với bất cứ vấn đề gì, nhứt là đối với việc gia đình nhà cửa con cháu v.v… Không ai thương mình bằng chính mình thương mình. Trước giờ phút phân ly đôi ngã, dù đó là người thân yêu nhứt đời mình, họ cũng không thể nào thay thế được gì cho mình.

Trong nỗi niềm cô đơn tuyệt vọng, cái chết gần kề với mình, thì thử hỏi mình còn tham đắm luyến tiếc thứ gì nữa chớ! Nghĩ thế, mình nên dốc hết tâm lực còn chút hơi tàn mà quyết lòng niệm Phật cầu sanh Tây phương, theo bản nguyện sanh tiền của mình đã phát nguyện. Nên nhớ đến lời khuyên dạy chí tình chí thiết của Hòa Thượng Thiện Đạo, vị Tổ thứ hai của Liên Tông. Ngài thường khuyên dạy cho những người tu Tịnh độ, niệm Phật như sau: “Người niệm Phật khi sắp mãn phần, muốn được sanh về Tịnh độ, thì điểm cần yếu là đừng sợ chết.

Phải thường nghĩ thân nầy nhơ nhớp, biết bao điều khổ lụy trói vây! Nếu bỏ được thân huyễn hôi nhơ, sanh về Cực Lạc thọ thân kim cương thanh tịnh, sẽ thoát khỏi luân hồi khổ thú, hưởng vô sự an vui. Ví như bỏ chiếc áo cũ rách đổi lấy đồ trân phục, còn điều chi đáng thích ý bằng! Nghĩ như thế, buông hẳn thân tâm không còn lo buồn tham luyến. Lúc vừa có bệnh, liền tưởng đến sự vô thường, một lòng niệm Phật chờ chết. Nên dặn thân thuộc chớ lộ vẻ bi thương, cùng bàn việc hay dở trong nhà. Nếu có ai đến thăm, chỉ khuyên nên vì mình niệm Phật, đừng hỏi thăm chi khác…”.

Đó là chúng tôi trích dẫn một đoạn khuyến nhắc của Ngài, để chúng ta nhớ đến mà hết lòng niệm Phật. Nên biết, Tổ Thiện Đạo là hóa thân của đức Phật A Di Đà. Lời Ngài dạy thật là thiết tha bi mẫn. Đây là lời khuyên chung của Tổ, không nhứt thiết là chỉ có liên hữu không thôi. Nếu ai nghe theo lời khuyên dạy nầy của Ngài, mà thật tâm tha thiết hành trì, dốc lòng niệm Phật, thì cũng được lợi lạc vãng sanh về Cực Lạc.

Xin tất cả hãy nghĩ đến tương lai sướng hay khổ của đời mình mà tự mình phải cố gắng buông bỏ tất cả, chỉ có một con đường trước mắt là niệm Phật cầu vãng sanh về Cực Lạc mà thôi. Hãy nhớ đến bản nguyện của đức Từ Phụ A Di Đà lúc nào Ngài cũng sẵn sàng chờ đón chúng ta.  Đó là trọng tâm chính yếu mà người bệnh sắp lâm chung cần ghi nhớ thực hành để được lợi lạc cho chính mình.

III. Thân bằng quyến thuộc.

Việc hộ niệm người bệnh được vãng sanh hay không, những người trong thân quyến đóng vai trò không kém phần quan trọng. Nếu thật sự thương thân nhân của mình trong giờ phút quyết định cuộc đời vui hay khổ nầy, y cứ theo lời chư Phật Tổ chỉ dạy, chúng tôi xin thành thật có đôi lời khuyến nhắc chung qua một vài điều thiết yếu sau đây:

Phải tỏ thái độ có lòng thương kính từ ái và tuyệt đối không được dùng lời nói mất hòa khí trong gia đình. Tuyệt đối, không nên đem việc nhà ra bàn luận. Nếu để cho người bệnh biết được những sự việc không hay xảy ra, thì sẽ gây tác hại lớn cho việc vãng sanh, vì người bệnh sẽ phiền muộn, tham, sân, si nổi lên dễ sa vào ác đạo như tên bắn.

Phải làm và nghe theo sự thức nhắc, sắp xếp của người có trách nhiệm hộ niệm cho thân nhân của mình. Những người nầy, họ vì thân nhân của mình mà hết lòng hộ niệm, nên chúng ta cần tôn trọng những lời chỉ bảo của họ.

Không nên kêu khóc lớn tiếng và kể lễ bất cứ điều gì, chỉ một bề niệm Phật. Phải gắng dằn lòng xúc động trong giờ phút nầy. Nên nhớ đây là yếu tố quan trọng mà người mới lâm chung có được vãng sanh hay không, đều tùy thuộc vào thân quyến.

Tất cả nên vì người mất mà phải thành tâm niệm Phật, tụng kinh cầu siêu suốt trong thời gian từ khi mất cho đến trải qua 49 ngày.

Trong thời gian cư tang, nên tu tạo nhiều phước lành để hồi hướng cho người quá cố sớm được siêu sanh thoát hóa.

Riêng đối với thân hữu bạn bè, chúng ta cũng nên quan tâm lưu ý. Tục ngữ ta có câu: “một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”. Hay “nhứt gia hữu sự bá gia ưu”. Nghĩa là: một nhà có việc trăm nhà đều quan tâm lo lắng giúp đỡ. Vì thế, nên khi hay tin người bạn thân của mình bệnh nặng, thì bạn bè thường hay đến thăm. Đến thăm là vì nghĩ tình thương bạn. Do đó, nếu thật thương người bạn mình trong giờ phút quan trọng nầy, thì chỉ nên hiệp lực cùng với những người khác mà đồng tâm niệm Phật. Nếu không quen niệm, thì chúng ta cũng không nên nói những chuyện gì khác. Vì như thế, chỉ làm cho người bạn của mình đang nằm chờ chết càng thêm rối loạn tinh thần mà thôi, chớ không có ích lợi gì.

Thế nên, nếu thật sự thương bạn mình, thì chúng ta chỉ nên giữ yên lặng là tốt lắm rồi. Được thế, thì chẳng những người bệnh được lợi ích mà những thân quyến của người bệnh cũng mang ơn chúng ta rất nhiều. Xin tất cả hãy quan tâm cho vấn đề nầy. Đừng vì thói quen tình cảm của mình mà gây tác hại cho người bệnh, đang cần đến sự trợ niệm thiết thực của chúng ta. Nếu không như thế, thì rất tội nghiệp cho người bạn của chúng ta lắm! Họ đang khao khát cần sự giúp đỡ của chúng ta, như người sắp chết đuối mong chúng ta cứu vớt họ vậy. Mong lắm thay!

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Powered by taichinhplus.net

DMCA.com Protection Status