Chuyển tới nội dung

Nuôi con 25 năm, cho đến một ngày, người mẹ bất chợt nhận ra vấn đề tai hại của bản thân

  • bởi

Câu chuyện dưới đây có thể sẽ giúp được nhiều phụ huynh trong chúng ta có thêm cái nhìn mới về việc dạy con hằng ngày.

Ảnh minh họa.

Từ sự tỉnh ngộ của một người mẹ chiều con…

Cách đây không lâu, cộng đồng mạng Trung Quốc liên tục chia sẻ tâm thư về sự tỉnh ngộ của một người mẹ yêu con.

Những tâm sự của người mẹ trong câu chuyện đã thức tỉnh nhiều người làm con, đồng thời cũng khiến các ông bố bà mẹ phải nhìn nhận lại cách nuông chiều con cái của chính mình.

Dưới đây là toàn bộ tâm thư với tựa đề “Sự tỉnh ngộ của người mẹ” được đăng tải trên trang Sohu (Trung Quốc).

“Con à, hôm nay con tỏ vẻ bâng quơ mà nhắc với mẹ, con nói rằng giá nhà đất lại đang tăng mạnh, nếu như không mua bây giờ, có lẽ tương lai con và bạn gái ngay đến một gian phòng nhỏ để ở cũng không có

Mẹ lặng lẽ nhìn con, nhưng không hề nói ra câu hứa hẹn ‘mẹ sẽ mua nhà’ mà con đang trông chờ hy vọng. Còn con cũng chìm vào sự yên lặng lúng túng, sau đó thở dài buông đũa bát, một mình đi ra khỏi nhà.

Mẹ đứng sau cánh cửa sổ dõi theo bóng lưng con đang xa dần, một dáng hình gầy gò, uể oải, đượm nét tự tung tự tác. Nhiều năm như vậy mà con vẫn cứ nương nhờ mãi trong vòng tay cha mẹ, từ đầu đến cuối chưa hề học được cách tự lập.

Vậy nhưng con của mẹ à, năm nay con đã bước sang tuổi 25, có trong tay một công việc ổn định, có một cô bạn gái biết thương yêu bên mình, còn có hai đấng sinh thành đang ngày càng già đi và cần sự chăm sóc của con là cha và mẹ.

Lẽ nào, từng ấy thứ, từng ấy người bên cạnh vẫn chưa đủ để con trưởng thành, để con tự sải cánh bay khỏi chiếc tổ ấm áp này, để con buông bỏ sự chây ỳ đang gặm nhấm bản thân, để con tự mình gánh vác trách nhiệm của một người trưởng thành hay sao?

Nhớ lại lúc con còn nhỏ, con từ sớm có thói quen gặp việc gì cũng nhờ đến mẹ.

Con nói rằng: ‘Mẹ ơi, quần áo của con bẩn rồi, mẹ giúp con giặt sạch nhé!’

Con thủ thỉ: ‘Mẹ ơi, ngày mai chúng con đi tham quan, mẹ chuẩn bị đồ đạc cho con nha!’

Con nài nỉ: ‘Mẹ ơi, bạn gái con thích ăn món cà muối, khi nào xong việc mẹ nhớ làm cho cô ấy nhé!’

 

Sau tất cả, người mẹ ấy nhận ra sự thật muộn màng rằng chính sự nuông chiều của mình đã khiến con trai trở nên phụ thuộc và ích kỷ. Ảnh minh họa.

Cho tới tận bây giờ, mẹ vẫn quen nghe những lời căn dặn như vậy của con. Mẹ luôn cho rằng, mỗi ngày đối xử với con tốt hơn một chút, con sẽ luôn ghi lòng tạc dạ, để tới khi cha mẹ già đi cũng sẽ được hưởng sự chăm sóc như vậy từ con.

Cũng bởi con là con của mẹ, nên mỗi khi để ra được đồng nào, mẹ sẽ vì con mà tới ngân hàng gửi tiết kiệm, chỉ mong một ngày nào đó, khi con muốn có được ngôi nhà nhỏ cho riêng mình, số tiền ấy có thể phần nào giúp đỡ con.

Vậy nhưng hôm nay, mẹ mới phát hiện ra rằng, sự hy sinh từng ấy năm của bản thân mẹ, toàn bộ đều xoay vòng theo ý muốn của con.

Mẹ đã không dạy dỗ ra được một đứa con biết quý trọng như cha mẹ mong muốn, mà ngược lại ngày càng giết chết tính độc lập và thui chột ý chí tiến thủ của con.

Bố mẹ càng yêu con, càng dung túng con bao nhiêu, con càng ỷ lại và đòi hỏi bố mẹ nhiều hơn nữa. Sự lười biếng và ích kỷ ẩn sâu trong đáy lòng con từ chỗ nhen nhóm đang ngày càng bùng lên dữ dội.

Năm con lên 5, con muốn mẹ mua cho con một bộ đồ chơi đắt tiền. Lúc 10 tuổi, thấy bạn học có một đôi giày da sang trọng, con nằng nặc khóc và đòi mẹ mua cho con một đôi như vậy.

Lúc 15 tuổi, con viết thư tình gửi bạn nữ cùng lớp, nói rằng: ‘Mẹ tớ quen rất nhiều người, ai bắt nạt câu thì cứ nói cho tớ biết.’

Ở vào thời điểm 20 tuổi, con đã học đại học, mỗi ngày đều gọi điện về nhà than phiền rằng đồ ăn ký túc rất khó nuốt.

Giờ đây, con mỗi ngày về nhà dùng bữa mà không phải “cơm  đóng gạo góp”, có nhiều lúc còn mang theo người yêu về. Mẹ một tay lo công việc, một tay lại phải chuẩn bị cho các con một ngày ba bữa cơm thịnh soạn.

Bận rộn đến chóng cả mặt như vậy, đã rất lâu rồi mẹ chưa thể nở một nụ cười chân thật trên môi.

Giờ đây, mẹ rốt cuộc đành phải thừa nhận rằng, 25 năm qua, mẹ cưng chiều con không biết chừng mực là một sai lầm quá lớn!

Con trai yêu của mẹ, mẹ không thể không tàn nhẫn mà nói với con rằng, từ giờ trở đi, cuộc sống phía trước của con không còn liên quan tới mẹ, mà con đường sau này con chọn mẹ cũng sẽ không can dự vào nữa.

Cũng mời con, giống như những người trưởng thành tự lập khác, dọn ra khỏi ngôi nhà của ba mẹ, dùng tiền lương kiếm được để tự mình thuê nhà.

Mẹ sẽ khích lệ và cổ vũ con, nhưng mẹ sẽ không giúp đỡ con bằng tiền của mẹ nữa.

Con à, mẹ thực sự xin lỗi! Lẽ ra mẹ không nên cưng chiều con như cách mẹ làm trước kia, còn con cũng nên cảm thấy áy náy với bố mẹ. Có như vậy chúng ta mới có thể tha thứ cho cả đôi bên để làm lại từ đầu…”

… đến bài học dạy con của người mẹ gốc Do Thái

Yêu thương và cưng chiều con cái dường như đã trở thành bản năng của các đấng sinh thành, đặc biệt là những người mẹ.

Quãng đời một con người từ khi con trẻ đi học mẫu giáo cho đến lúc lên tiểu học, trung học, đại học, tìm việc kiếm tiền, kết hôn, sinh cháu… dường như đều hiện hữu sự quan tâm chăm sóc của các bậc làm mẹ.

Ngay cả khi con cái không coi trọng sự quan tâm của họ, họ vẫn không một lời oán hận mà tiếp tục hy sinh. Cô Sala trong câu chuyện dưới đây cũng đã từng là một người mẹ như vậy.

Sala là một người phụ nữ gốc Do Thái nhưng sinh ra và lớn lên tại Thượng Hải. Cô sinh được hai người con trai và một cô con gái.

Từ ngày ly hôn, cô đem ba đứa con rời Trung Quốc và đến Israel sinh sống. Tại đây, cô phải đi làm thuê bằng công việc chả giò để trang trải cuộc sống.

Mặc dù mang trong mình dòng máu ngoại lai, nhưng người phụ nữ ấy từ lâu đã thẩm thấu cách nuôi con của những bà mẹ Trung Quốc điển hình với quan niệm: “Bản thân khổ đến đâu cũng không được phép để con khổ!”

Vì vậy, dù kinh tế chẳng hề dư dả, nhưng cô thường xuyên để tiền mua sách cho con đọc, cũng không hề cho các con đụng tay đụng chân vào một việc gì trong nhà.

Yêu cầu duy nhất mà người mẹ tần tảo ấy đặt ra cho ba người con của mình là: Chỉ cần thi đỗ đại học là được!

Sự bao bọc con cái quá mức của người mẹ gốc Do Thái từng khiến người hàng xóm Israel không ít lần bất bình. Ảnh minh họa.

Cuộc sống như vậy được Sala duy trì trong suốt một thời gian dài. Cuối cùng, có một người hàng xóm lớn tuổi không thể chịu được cảnh vất vả của cô, nói với các con Sala rằng:

“Các cháu đã lớn cả rồi, nên học cách giúp đỡ bố mẹ chứ không phải nhìn mẹ bận tới bận lui, một mình gánh vác hết mọi việc như thế!”

Người hàng xóm ấy cũng nhắc nhở Sala:

“Em đừng nghĩ mình sinh con ra thì phải gánh hết mọi trách nhiệm. Có điều kiện như thế nào thì chu cấp cho con trong tầm ấy. Chăm con như em không phải là chiều mà là hại các cháu!”.

Sau này, Sala phát hiện ra rằng, con cái dù nhỏ hay lớn đều cần tự giác làm việc nhà, thậm chí con nhà giàu cũng bị cha mẹ đẩy ra ngoài để chịu khổ trưởng thành.

Tới lúc này, Sala mới thấm thía những lời của người hàng xóm năm nào. Kể từ đó trở đi, để dạy cho các con kỹ năng sống, Sala liền dạy các con giúp mình làm chả giò và bán hàng.

Mỗi một chiếc chả giò bán được, cô sẽ cho các con 20% hoa hồng.Trong quá trình bán hàng, những đứa trẻ ấy còn học được cách giao tiếp xã hội và đối nhân xử thế.

Chưa dừng lại ở đó, gia đình Sala còn thống nhất đặt ra một “lịch trực gia đình” treo trên tường nhà, ghi rõ ai chịu trách nhiệm giặt quần áo, nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa vào các ngày trong tuần.

“Lịch trực” là thành quả thống nhất của “hội nghị gia đình” nhà Sala. Điều khiến cô ngạc nhiên chính là ngay trong ngày đầu tiên áp dụng, Sa Lạp đã đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.

Ngày đầu tiên thực hiện lịch trực, người con lớn của cô đã dậy sớm quét nhà, chuẩn bị bữa sáng cho cả gia đình, còn vui vẻ đề ra thực đơn bữa tối để tham khảo ý kiến các thành viên.

Nhờ có “lịch trực” và sự giúp đỡ của ba người con, Sala mỗi có thể ngủ thêm một giấc vào mỗi buổi sáng, khi thức dậy còn có bữa sáng được chuẩn bị sẵn.

Dạy con cách phụ giúp bố mẹ cũng là cách để giúp con học thêm kỹ năng sống. (Ảnh minh họa).

Tới ngày hôm nay, các con của Sala đều đã trở thành những thương nhân thành đạt. Mỗi khi chia sẻ về cách dạy con của mình, người mẹ gốc Do Thái ấy thường tổng kết bằng một câu:

“Mềm lòng là hại con, nhẫn tâm là yêu con. Ngày hôm nay ai quá cưng chiều con cái, sẽ có một ngày họ phải nén nước mắt mà băng bó những ‘vết thương’ của con mình”.

Qua bức tâm thư làm xôn xao cộng đồng mạng và kinh nghiệm dạy con của người mẹ gốc Do Thái kể trên, ta có thể thấy rằng, cưng chiều con cái là việc bậc cha mẹ nào cũng sẵn sàng làm, nhưng “nhẫn tâm” để yêu thương con trẻ lại không phải là việc mà ai cũng làm được.

* Theo Trí Thức Trẻ/soha

“>

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Managed by nguyenvanhieu.vn DMCA.com Protection Status