Chuyển tới nội dung

Trí tuệ cổ nhân: Nhẫn trước sự an nhàn để có được cái “Nhàn” thực sự, nghịch lý có lý đến không ngờ!

  • bởi

Nói về tâm Đại Nhẫn, người đời vẫn lưu truyền câu nói của Khổng Tử: “Tiểu bất nhẫn, tắc loạn đại mưu” (Không nhịn được việc nhỏ, sẽ làm hư đại sự). Vậy nhưng, nội hàm của chữ Nhẫn đâu phải chỉ là sự nhẫn nhịn, nhẫn nhục. Bất cứ khi nào bạn thấy khó chịu, đau khổ khi phải buông bỏ một điều gì đó, bởi nó không tốt cho người khác hoặc cho bản thân, thì đều đòi hỏi phải có cái đức Nhẫn.

Có một loại Nhẫn gọi là Nhẫn trước sự an nhàn

Chữ “Nhẫn” (忍) gồm có chữ “Tâm” (心) ở dưới và chữ “Đao” (刀) ở trên. Chữ “Đao” có hàm ý phải tôi luyện, mãi dũa mà thành.

Chữ “Tâm” nằm ở dưới chính là nền tảng của cả chữ “Nhẫn”. Đối với người bình thường, đao cứa vào tim là rất đau đớn và cực khổ, còn đối với người có tâm đại nhẫn thì ngược lại, tâm này vẫn bất động dù đao kia có sắc đến đâu. Nếu tâm dao động thì không “Nhẫn” được, nếu tâm tĩnh thì càng nhẫn, càng bất động tâm càng thể hiện ra sự Đại Nhẫn.

Thế nên bất kỳ việc gì có thể khiến bạn lao tâm khổ tứ, cảm thấy đau khổ, mãi chẳng thể dứt bỏ, thì đó chính là lúc cần tới đức Nhẫn của thánh nhân. Với an nhàn, nghe qua tưởng chẳng liên quan, nhưng thật sự lại cũng cần tới Nhẫn.

Nhẫn chẳng cứ phải là khi bị người khác làm tổn hại, kích động đến tinh thần, mà chính là cả khi bạn phải chiến thắng chính mình, buông bỏ những nhân tâm không có lợi cho mình và người. Bởi có Nhẫn sẽ có tĩnh, tĩnh lại rồi thì sẽ nhìn thấu sự vô lý của nhân tâm, dục vọng. Tĩnh lại rồi cũng lại khiến thân không động ngay theo sự dẫn khởi của những ham muốn vô bổ.

Trong cuốn Khuyến nhẫn bách châm có răn rằng: “Cái hại của sự an nhàn cũng độc như chim Trấm, cổ nhân đã mượn chuyện này để cảnh báo người đời. An nhàn hưởng lạc sẽ khiến con người chết mòn, điều này có gì là lạ”.

Tôn Tư Mạc đời Đường đã viết trong Dưỡng tính khởi mông rằng: “Nước chảy không tù đọng hôi thối, trụ cửa không bị mối mọt, chính là do chúng liên tục vận động. Không thể dung túng cho dục vọng của mình, nếu dung túng sẽ tạo thành họa”. Vì thế làm người không thể nuông chiều bản thân, truy cầu đời sống an nhàn, hưởng thụ.

Có một câu ngạn ngữ cổ rằng: “Người ta thường sống sót qua khổ nạn, nhưng lại bỏ mạng trong sung túc”. Trong Hán Thư (những ghi chép lịch sử về triều Hán) có nói: “Người xưa coi sự an nhàn như là rượu độc, và việc đánh đổi nhân cách đạo đức để được giàu sang là sự bất hạnh”.

Thấm nhuần tư tưởng của các bậc tiên hiền, cách đây khoảng 70 năm, nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy đã căn dặn con trai mình trong cuốn Trai nước Nam làm gì về những lý lẽ tương tự.

Làm trai nước Nam thì phải có một tôn chỉ, một chí hướng mà theo, không chỉ làm lợi cho bản thân mà còn cho xã hội, nước nhà. Muốn thế, trước tiên phải khỏe. Bởi “khỏe thì làm thày của xác mình, yếu thì làm đầy tớ của nó”.

Ngoài vận động phù hợp và gìn giữ sức khỏe thì cũng phải biết chịu khổ. “…đối với những tâm hồn mạnh mẽ thì cực nhọc hình như là cái thích của họ. Thích chịu cực đó là cái đặc tính của những người làm được” – (Trích Trai nước Nam làm gì ).

Ngày nay, thế hệ trẻ dường như đang có xu hưởng hưởng thụ, thậm chí làm việc cật lực gấp gáp lúc trẻ để có thể hưởng thụ, an nhàn một thời gian sau đó. Đó là cái lý nghe có vẻ thuyết phục. Nhưng thực tế đã chứng minh, nhiều bạn trẻ khi an nhàn lại sinh chán chường, mất phương hướng.

Tư duy hưởng thụ khiến chúng ta lại càng muốn hưởng thụ nhiều hơn, và nguy hiểm hơn là khi nó nhiều hơn cả những gì chúng ta muốn bỏ ra. Chúng ta sẽ bất chấp tích lũy của cải thật nhanh, để có thể sớm hưởng thụ cuộc sống theo cách chúng ta tưởng rằng mình muốn vậy. Nhưng khi được như vậy, liệu chúng ta có thấy thế đã là đủ.

Nhẫn trước sự an nhàn để có được cái “Nhàn”, nghịch lý có lý đến không ngờ

Người xưa nói về chữ “Nhàn” như thế này:

Một mai, một cuốc, một cần câu,
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào.
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ,
Người khôn, người đến chốn lao xao.

Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.
Rượu đến cội cây ta sẽ uống,
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.

(Trích Bạch Vân quốc ngữ thi , Nguyễn Bỉnh Khiêm)

Đó không phải là cái nhàn hạ, kiểu hưởng lạc, an dật, không màng sự đời. Bởi người xưa vẫn cho rằng “Nhàn cư vi bất thiện”, người quân tử không bao giờ để thân mình được thảnh thơi, bệ rạc.

Nhàn ở đây là sự thanh thản không vướng chút dục vọng, thèm khát thế tục, không tham danh lợi, bon chen, không cầu ăn ngon, mặc đẹp, nhà cao cửa rộng. Là cái nhàn ở trong tinh thần.

Thế nên, Nhẫn để buông bỏ dục vọng, thèm khát hưởng thụ, an lạc, cuối cùng sẽ dẫn tới cái Nhàn thật sự. Nhàn trong tâm mà thân không nhàn, ngược lại thân càng cực thì tâm lại càng nhàn.

Chớ tưởng tối ngày nghếch chân lên xem phim bộ, chơi game, muốn vận động chút thì ra phố mua trà sữa, ngồi trà chanh giết thời gian thì là đủ cho cuộc đời an nhàn. Cái an nhàn hôm nay là cái nhọc thân mai sau. Nói đời là bể khổ là có cái đúng, bởi chẳng có điều gì tốt đẹp trong đời sống này lại không cần bạn phải bỏ chút công sức ra dành lấy.

Nhưng an dật là viên kẹo độc, nó ngon ngọt quá khó mà tử bỏ cho được. Lúc này chính là cần đức Nhẫn kia, xem ai có thể chịu đựng, ai có thể để cho đao cứa tâm can mà vẫn bất động, tĩnh tại, mạnh mẽ vượt qua.

Thế nên Nhẫn trước sự an nhàn cũng là cái nhẫn đầy oanh liệt. Bởi một khi ở trong hoàn cảnh an ổn, vui vẻ thì thường sẽ không nghĩ tới sự tồn tại của khó khăn. Ý chí bị mài mòn, không biết cầu tiến. Hơn nữa còn có thể vì ham hưởng lạc mà rước họa vào thân.

Vượt qua được làn khói mê hoặc màu hồng dịu ngọt của sự an dật, cũng đòi hỏi một ý chí kiên cường. Đôi khi, vượt sướng còn khó hơn cả vượt khổ. Bởi trong cái khổ, ý chí được tôi rèn. Nhưng trong cái sướng, một khi đã không còn ý chí thì con người cũng chỉ là nô lệ cho dục vọng mà thôi.

(Suy ngẫm – mnmcn)

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Powered by sachnoihay.com DMCA.com Protection Status