Chuyển tới nội dung

Nổi tiếng xấu xí ‘ma chê quỷ hờn’, nhưng người phụ nữ ấy đã trở thành bậc mẫu nghi thiên hạ

  • bởi

Trong ấn tượng của nhiều người, phi tần của của vua chúa luôn là những giai nhân tuyệt sắc. Nhưng thực tế lịch sử chứng minh rằng có những bà hậu, bà phi vẫn được đức vua hết mực sủng ái cho dù sở hữu vẻ ngoài không hề nổi bật, thậm chí xấu đến “ma chê quỷ hờn”. 

Lịch sử có ghi chép về một kì nữ tên gọi Chung Li Xuân (còn gọi là Chung Vô Diệm), diện mạo xấu xí nhưng sự hiền đức, nhân hậu và tài năng của bà lại đã lưu truyền mãi cho hậu thế.

Tự tiến cử vào cung

Liệt nữ truyện – Biện thông” kể rằng, vào thời Chiến Quốc, ở Vô Diêm Ấp nước Tề có một người con gái tên gọi Chung Li Xuân, tướng mạo vô cùng xấu xí, trán cao, mắt sâu, lưng dài, chân thô, mũi hếch, xương cổ nhô ra, cổ to, tóc thưa, bụng phệ, lưng gù, da đen đúa…

Tuổi đã bốn mươi mà không gả được cho ai, tuy nhiên nàng không vì thế mà lấy làm buồn rầu. Ngược lại khẩu khí lại càng làm người ta kinh ngạc: “Nếu không ai dám lấy ta, vậy thì để Tề Vương tới rước ta vậy”.

Chẳng ngờ rằng, cái suy nghĩ tưởng chừng hoang tưởng đó bỗng nhiên có thể trở thành hiện thực. Khi ấy vừa hay là lúc Tề Tuyên Vương đăng bảng chiêu nạp hiền tài, cầu người giỏi hiến kế trị nước.

Chung Li Xuân nghe chuyện liền muốn tới diện kiến đức vua, trước bái kiến Tuyên Vương, sau là tự mình tiến cử, muốn tới quản lý hậu cung cho đức vua, tự cho rằng mình là người phụ nữ tài giỏi nhất nước Tề.

Một hôm Tuyên Vương đang uống rượu giữa bầy cung nga xinh đẹp, vui chơi ở Tiệm Đài thì được tin có người xin vào yết kiến. Người đó tự xưng là người con gái không lấy được chồng của nước Tề, nghe nói Tề Vương là người hiền minh, xin vào hậu cung lo việc quét tước cho vua.

Các cung nữ nghe xong bụm miệng cười, Tuyên Vương nghe tâu cũng tức cười nhưng vì lòng hiếu kỳ, ra lệnh cho vào yết kiến. Tuyên Vương hỏi: “Xú phụ! Ngươi sao không chịu ở yên nơi quê nhà mà tự tiến lên vua. Phải chăng ngươi có tài nghệ cao kỳ gì?“.

Vô Diệm đáp: “Thưa bệ hạ! Tôi không dám nói kì tài cao nghệ, chỉ học được thuật ẩn hình, xin vì đại vương hiến chút nghề mọn để giúp vui“. Nói xong liền ẩn mình, không ai trông thấy nữa.

Chung Vô Diệm tự tin nói: “Nếu không ai dám lấy ta, vậy thì để Tề Vương tới rước ta vậy”.

Một lời nói chỉ ra 4 cái nạn của quốc gia

Kỹ năng ẩn mình của Chung Vô Diệm thật là lợi hại, bỗng nhiên làm Tuyên Vương cảm thấy vô cùng hứng thú, liền giữ nàng lại trong cung. Hôm sau Tuyên Vương lại cho triệu bà đến.

Vô Diệm không nói gì, chỉ trừng mắt, cắn răng, giơ tay, vỗ gối… làm 4 động tác và kêu liên tiếp 4 tiếng “hiểm”. Tuyên Vương hỏi ý nghĩa ra sao? Vô Diệm đã chỉ thẳng ra 4 nạn lớn của nước Tề như sau:

1. Tuyên Vương năm nay đã hơn bốn mươi tuổi mà vẫn không lập người kế vị, cả ngày chỉ ăn chơi ham mê tửu sắc, không coi trọng việc giáo dục con cái. Nếu như Tuyên Vương gặp phải điều gì bất trắc mà không có người kế vị, quốc gia tất sẽ đại loạn.

2. Nhà vua ham thích xây dựng nhiều cung điện, đền đài xa hoa lãng phí, ham thú chơi bời chính là hao tổn tài sản của quốc gia.

3. Những người hiền đức đều đã ẩn cư trong núi sâu rừng già. Bao quanh Tuyên vương lúc này chỉ là những kẻ tiểu nhân a dua nịnh nọt, làm cho người không nghe thấy những lời nói tận trung với nước, chỉ được nghe những lời thêu dệt gièm pha.

4. Tuyên Vương suốt ngày lún sâu vào đam mê tửu sắc, ăn chơi đàng điếm, không quản nội chính lại coi nhẹ ngoại giao. Nay nước Tề có sự uy hiếp của Tần ở phía Tây, Sở phía Nam, nhưng bên cạnh người chỉ có lũ tiểu nhân a dua nịnh bợ mà không có người tài đức trợ giúp. Nếu cứ để như vậy sẽ làm loạn thù trong giặc ngoài thử hỏi không nguy hiểm sao được?

Vô Diệm chỉ là một người phụ nữ bình dân mà chỉ trong vài câu nói ngắn ngủi thực đã điểm trúng yếu huyệt của Tề Vương. Bất giác không kìm nổi lòng, Tuyên Vương thở dài mà nói: “Thật đáng tiếc, những lời nói này của cô nương hôm nay lần đầu tiên quả nhân mới nghe thấy”.

Tề Tuyên Vương từ đó nghe lời can gián, từ bỏ yến nhạc, phá Tiệm đài, trừ tôi nịnh…, lại lập Chung Vô Diệm làm Vương hậu. Với sự phụ tá của bà, nước Tề trở nên ngày càng cường thịnh.

Vô Diệm là một trong “Ngũ xú Trung Hoa”, tức là 5 người đàn bà xấu xí nhất thời cổ đại. Họ đều là những kì nữ tài danh, giỏi giang bất chấp nhan sắc ở vào hạng tầm thường, thậm chí còn có phần “ma chê quỷ hờn”.

Các bậc minh quân xưa khi kén hoàng hậu thì vấn đề cân nhắc trước tiên chính là đức hạnh, khí chất chứ không phải dung nhan, diện mạo bên ngoài. Phong hậu, phong phi chính là một trong những đại sự quan trọng nhất trong việc kiến thiết vương triều.

Bậc “mẫu nghi thiên hạ” phải là bộ mặt đại diện cho hoàng tộc, cho quốc gia, có thể thay đức vua mà an định lòng người. Nếu đức vua trị quốc bằng nghiêm luật, pháp hình thì hoàng hậu trị quốc bằng đức hạnh.

“Mỹ nhân”, hay người đẹp, đầu tiên phải đẹp từ trong tâm hồn. Đó mới là cái gốc của mọi nhan sắc. 

Kén vợ coi trọng hiền đức

Vẻ đẹp của một người phụ nữ không phải từ phấn sáp, từ tô ngọc chuốt hồng, điểm trang. Vẻ đẹp thật sự xuất phát từ ý chí kiên cường và một nội tâm mạnh mẽ.

Người phụ nữ xưa có tứ đức: “Công, dung, ngôn, hạnh”, đi đứng đều có nết riêng. Ngay cả từ “mỹ nhân” cũng có một nội hàm sâu sắc hơn là chỉ vẻ đẹp bên ngoài. “Mỹ nhân”, hay người đẹp, đầu tiên phải đẹp từ trong tâm hồn. Đó mới là cái gốc của mọi nhan sắc.

Người xưa có câu: “Lấy vợ coi trọng hiền đức“. Câu chuyện kén vợ sau đây sẽ cho bạn một hình dung rõ ràng hơn.

Có một vị quốc vương trẻ tuổi tổ chức cuộc thi kén vợ hiền. Rất nhiều tiểu thư nhà giàu xinh đẹp nô nức đến dự. Ngoài ra còn có cả một cô gái xuất thân bần hàn, con nhà nông dân cũng đến dự thi.

Câu hỏi thứ nhất mà vị quốc vương đưa ra là: “Khoảng cách giữa nơi mà mặt trời mọc và nơi mà mặt trời lặn là bao xa?

Các tiểu thư bối rối, im lặng. Cô gái nông thôn kia bình tĩnh đáp: “Thưa quốc qương! Khoảng cách ấy đúng bằng một ngày!”.

Quốc vương nghe xong lấy làm tâm đắc, gật gù, lại đưa ra câu hỏi thứ hai: “Khoảng cách giữa trời và đất là bao xa?

Liền lúc đó, một tiểu thư con một vị đại thần trả lời ngay: “Thưa quốc vương! Thần thiếp nghe nói có câu rằng: “Cửu vạn lý trường thiên”. Nên thần thiếp nghĩ, khoảng cách giữa trời và đất là 9 vạn dặm!

Một tiểu thư con nhà giàu có cũng tiếp lời: “Thưa quốc vương! Đường Tăng từng đi qua mười vạn tám ngàn dặm để lấy kinh, nên thần thiếp nghĩ đây chính là khoảng cách giữa trời và đất!

Lúc này, cô gái nông thôn bước ra từ tốn nói: “Thưa quốc vương! Dân nữ nghĩ rằng khoảng cách giữa trời và đất đúng bằng khoảng cách giữa mở mắt và nhắm mắt!”.

Quốc vương vừa cười vừa nói: “Đúng vậy! Nàng nói rất đúng”. Các thiên kim tiểu thư khác trong lòng cảm thấy vô cùng lo lắng.

Cuối cùng, quốc vương lại ra một câu hỏi: “Khoảng cách giữa lời nói thật và lời nói dối là bao xa?

Câu hỏi vừa đưa ra, tất cả mọi người đều bối rối vô cùng, xì xầm hỏi lại nhau rằng: “Giữa nói thật và nói dối còn có đơn vị khoảng cách sao?

Cô gái nọ không chút do dự nói: “Thưa quốc vương! Khoảng cách ấy đúng bằng khoảng cách giữa hai lỗ tai! Khi dùng một tai nghe lời nói từ một bên thì thường sẽ nghe được lời nói không thật. Dùng cả hai tai lắng nghe ý kiến bất đồng thì mới có thể nghe được lời nói thật!“.

Quốc vương vội vã đứng dậy tiến lại gần cô gái, đoạn vui mừng tuyên bố với chúng thần dân rằng đây chính là hoàng hậu tương lai của vương quốc.

Vậy bạn đã hiểu tại sao Chung Vô Diệm xấu xí lại được Tề vương hết mực sủng ái đến thế chưa?

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Powered by kienthucketoan.com DMCA.com Protection Status